Bé trai cao thêm 29 cm sau hai năm tiêm hormone tăng trưởng
Con trai chị Loan thấp hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa. Chị đưa con đi khám dinh dưỡng một thời gian dài vẫn không cải thiện. Năm 13 tuổi, bé bắt đầu điều trị bằng hormone tăng trưởng tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, sau hai năm tăng thêm 29 cm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thư Hương, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, mức tăng chiều cao này là do sự kết hợp giữa hiệu quả của tiêm hormone tăng trưởng và sự phát triển của bé trong tuổi dậy thì.
"Thông thường trong năm đầu tiên điều trị, các bé sẽ tăng 8-12 cm. Năm thứ hai tăng trưởng thường đạt 75-80% so với năm đầu. Những năm sau sẽ giảm hơn so với những năm đầu", bác sĩ Hương phân tích.
Theo bác sĩ Hương, chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng là bệnh lý tương đối hiếm nên nhận thức trong cộng đồng chưa cao. Nhiều phụ huynh thấy con thấp hơn bạn bè, đưa đi khám bác sĩ nhi tổng quát thì không có bệnh lý, bác sĩ dinh dưỡng cũng khẳng định bé không suy dinh dưỡng.
"Chế độ ăn của bé đủ chất, uống sữa đầy đủ, chơi thể thao đều đặn nhưng mãi không cao và phụ huynh không biết phải làm gì nữa", bác sĩ Hương nói.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên đo chiều cao cho trẻ mỗi 6 tháng hoặc tốt nhất là 3 tháng một lần và vẽ lên biểu đồ tăng trưởng của WHO. Nếu phát hiện chiều cao của bé nằm < -2SD hoặc tốc độ tăng trưởng ≤ 2cm trong 6 tháng nghĩa là đang có dấu hiệu bất thường.
Nếu đi khám bác sĩ nhi tổng quát, bác sĩ dinh dưỡng xác nhận bé không có bệnh lý, không suy dinh dưỡng thì nên đưa bé đến bác sĩ nội tiết để được thăm khám các bệnh lý về nội tiết, đặc biệt là bệnh thiếu hormone tăng trưởng ảnh hưởng sự phát triển chiều cao.
Quy trình thông thường là bé sẽ được chụp X-quang xương bàn tay trái, làm các xét nghiệm máu cần thiết, chụp MRI sọ não. Sau khi có kết quả chẩn đoán, phụ huynh được bác sĩ tư vấn cách điều trị và theo dõi.
Trẻ em thiếu hormone tăng trưởng sẽ chậm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ gãy xương và bệnh tim mạch. Nếu trẻ chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng nhưng không được điều trị kịp thời, chiều cao cuối cùng của trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao đáng lý trẻ sẽ đạt được khi trưởng thành.
Việc điều trị bằng hormone tăng trưởng không chỉ áp dụng cho trường hợp trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng mà còn được chỉ định trong các trường hợp gây ra do những nguyên nhân khác như hội chứng Turner, bệnh thận mạn, trẻ sinh ra nhỏ hơn so với tuổi thai...
Cần điều trị đúng thời điểm, đúng liều, tốt nhất là trong khoảng độ tuổi 4-13, trước khi các sụn xương của trẻ đóng lại. Điều trị bệnh lý này là bằng đường tiêm, vì vậy cần tiêm thuốc đều đặn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết khi con bị thấp còi, hầu hết phụ huynh nghĩ đến nguyên nhân dinh dưỡng, thậm chí nhiều người tự ý bổ sung canxi hoặc các loại thuốc tăng chiều cao mà chưa có sự tư vấn của bác sĩ, dẫn đến không có hiệu quả hoặc có thể gây hại cho trẻ.
Từ năm 2017, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ chưa dậy thì. Sau hai năm, 550 trẻ được khám và tầm soát, có 31 trường hợp chỉ định điều trị. Năm 2019, bác sĩ tư vấn vào sáng thứ bảy, chủ nhật từ ngày 8/6 đến 27/7, đăng ký điện thoại 0774 880 289.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...