Tuy đã 25 tháng tuổi nhưng bé H.M.P ( trú tại Nghi Hưng, Nghi Lộc, Nghệ An) cân nặng chỉ vẻn vẹn 7kg. Bé có hiện tượng thường xuyên ôn ói từ múc mới sinh. Tình trạng này diễn ra thường xuyên hơn từ khi bé bắt đầu ăn dặm và dần chuyển sang ăn thô. 

Theo thông tin từ bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Vinh, cách đây 2 tuần, bé P. nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng, nôn ói nhiều, thậm chí nôn ra thức ăn của ngày hôm trước. 

Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc bệnh tắc tá tràng không hoàn toàn do màng ngăn niêm mạc và được chỉ định phẫu thuật giải phóng màng ngăn niêm mạc.

Hình ảnh chụp MSCT dạ dày giãn lớn chứa nhiều thức ăn và gấp khúc - Ảnh: BVCC

Do thể trạng yếu nên trước khi phẫu thuật, bệnh nhi được điều trị hồi phục điện giải và bổ sung dinh dưỡng trong khoảng 1 tuần. Ca phẫu thuật kéo dài 60 phút. Bác sĩ xác định dạ dày và tá tràng của bé bị giãn to, tiến hành cắt bỏ màng ngăn tá tràng và tái lập lưu thông đường tiêu hóa.

BSCKI Nguyễn Văn Tuấn, Khoa Ngoại Nhi Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Vinh, cho biết: “Bệnh lý tắc tá tràng hoàn toàn là một cấp cứu ngoại khoa ở trẻ sơ sinh. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời trẻ bị tắc đường tiêu hóa, ói mất dịch, sụt cân, rối loạn điện giải, sốc, co giật và có thể dẫn đến tử vong.

Với thể bệnh tắc tá tràng không hoàn toàn ở giai đoạn sơ sinh và trước ăn dặm, trẻ có thể có nôn trớ nhiều hơn so với trẻ bình thường".

Ê kíp bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi - Ảnh: BVCC

Bác sĩ Tuấn cũng cho biết, đến tuổi ăn dặm trở đi, sự xuất hiện nôn trớ sau ăn tăng lên về số lần và số lượng, bụng chướng nhiều vùng thượng vị, lúc này trẻ chậm lớn, suy dinh dưỡng, còi cọc và suy kiệt. Do đó, các bà mẹ nên thực hiện siêu âm toàn diện ở 3 tháng cuối thai kỳ để tầm soát và can thiệp sớm cho bé ngay sau sinh.

Hiện tại, bệnh nhi đã ăn uống bình thường, được xuất viện và hẹn tái khám sau 1 tháng. 

Bé trai dễ bị tắc tá tràng hơn bé gái

Tá tràng nguyên thủy là ống rỗng từ tuần thứ 4 của thai kỳ, nút liên bào phát triển mạnh làm ống tá tràng đặc lại, đến tuần 8 – 10 xảy ra quá trình không bào hóa, khối liên bào hình thành các khoang rỗng, các khoang rỗng này sau đó nối lại với nhau làm tá tràng thông lại.

Mọi khiếm khuyết trong quá trình “thông hóa” ngừng lại sẽ gây ra màng ngăn tá tràng.

Nôn, trướng bụng là dấu hiệu sớm và là lý do bố mẹ cần đưa trẻ đi khám. Tình trạng này kéo dài sẽ gây rối loạn điện giải và suy dinh dưỡng.

Tắc tá tràng là dị tật bẩm sinh của đường tiêu hóa làm bít tắc hoàn toàn hoặc một phần tá tràng (đoạn đầu của ruột non), màng ngăn nằm ở đoạn D2 chiếm 85 – 90% các dị tật màng ngăn.

Đây là bệnh lý tương đối hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1/6000 ở trẻ mới sinh, bé trai thường mắc bệnh nhiều hơn bé gái và thường kết hợp 1 số dị tật khác như: Dị tật tim, hội chứng Down và các dị tật khác đường tiêu hóa.