Bé trai 17 tháng tuổi hôn mê nguy kịch vì hóc hạt hướng dương bé xíu
Suýt gặp “tử thần” vì hạt hướng dương
Theo thông tin từ bệnh viện Nhi Thanh Hóa, ngày 09/10/2019, khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi Trần Văn Anh T, 17 tháng tuổi, địa chỉ xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng rất nặng.
Bé bị khó thở tím tái, phải hỗ trợ bóp bóng qua nội khí quản và hôn mê, đe dọa tử vong. Gia đình bệnh nhi cho biết một ngày trước khi nhập viện, bé trai có biểu hiện ho, khó thở, không sốt.
Tình trạng ho, khó thở, tím môi tăng lên khi bệnh nhi nằm. Chỉ khi đươc bế vắt vai hoặc ngồi dậy, bé mới đỡ ho, khó thở.
Nhận thấy tình trạng nguy kịch của bệnh nhi, các bác sĩ đã nhanh chóng được tiến hành nội soi phế quản cấp cứu ngay tại giường. Trong quá trình nội soi, các bác sĩ phát hiện dị vật là hạt hướng dương gây che lấp gần hoàn toàn đường thở vị trí ở ngay phế quản gốc.
Sau khi được gắp dị vật qua nội soi phế quản, đưa hạt hướng dương ra khỏi đường thở, bệnh nhi đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.
Sau 6 giờ nội soi, bệnh nhi cai được máy thở, tỉnh táo hoàn toàn. Sau 9 ngày điều trị tổn thương viêm phổi do sự cố hóc dị vật, bé trai đã được xuất viện, trở về với gia đình.
Hạt hướng dương khiến tình mạng bé trai lâm vào nguy kịch. Ảnh: BVCC
Trẻ bị hóc dị vật, xử lý thế nào?
Ths.Bs. Ngô Việt Hưng, Khoa HSCC, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết hóc dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ từ 1-6 tuổi và có nhiều trường hợp dẫn tới hậu quả rất đau lòng.
Hóc dị vật đường thở ở trẻ nhỏ thường do trẻ tò mò, thích nhét các vật lạ vào miệng hoặc mũi. Dị vật hay gặp là hạt lạc, hạt ngô, hạt dưa, hạt na, hạt hồng bì, mẩu xương, vỏ tôm, vỏ cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc...
Do phản xạ đóng, mở thanh quản để bảo vệ đường thở chưa hoàn thiện nên những dị vật này rất dễ mắc vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản của trẻ, gây khó thở và nguy hiểm tính mạng nếu không được phát hiện, cấp cứu kịp thời.
Bên cạnh đó, hóc dị vật cũng gây nhiều biến chứng nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong như tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, thủng khí quản, chảy máu đường thở, abces phổi.
“Khi trẻ có các triệu chứng khó thở nghi ngờ hóc dị vật đường thở, người thân cần phải bình tĩnh, tuyệt đối không kích thích trẻ, giúp cho trẻ có tư thế dễ chịu nhất.
Hãy vận chuyển trẻ nhẹ nhàng, an toàn đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi hỗ trợ phương tiện cấp cứu để được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa cấp cứu loại bỏ dị vật.
Sự cố hóc dị vật đường thở có thể giải quyết triệt để, không có tai biến hay để lại di chứng bằng phương pháp nội soi phế quản nếu được phát hiện và thực hiện sớm. Đây là kỹ thuật an toàn, được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Điều quan trọng là bệnh nhi cần được phát hiện sớm và xử lý kịp thời”, ThS. Ngô Việt Hưng khuyến cáo.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...