Theo thông tin từ Báo Dân Trí, bé trai 15 tuổi quê Phú Yên. Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết cách nhập viện 7-8 năm, bé ngồi ngậm còi lấy ra từ chiếc giày trẻ em thì bất ngờ bị bạn từ sau đi đến vỗ vào lưng, gây sặc còi nhưng không khó thở, tím tái.

Thời gian sau đó, bé vẫn thở bình thường, không khó thở hoặc viêm phổi, lâu lâu chỉ bị ho và tự mua thuốc uống. Cách đây hơn 1 tháng, bé bỗng nhiên ho nhiều, nên người nhà lần lượt đưa đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, sau đó chuyển sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch vì nghi ngờ lao phổi.

Dù được điều trị theo phác đồ lao phổi, tái khám 3 lần đều đặn nhưng tình trạng bệnh nhi vẫn không cải thiện, ho nhiều. Lúc này, các bác sĩ tiến hành chụp CT phổi, nghi ngờ bé có dị vật và cho thuốc về uống.

  
Chẩn đoán bé bị viêm phổi. Ảnh: Dân Trí 

Tuy nhiên trong lần tái khám thứ tư, bệnh nhi lại không còn thấy dị vật, xét nghiệm lao âm tính, được chẩn đoán viêm phổi phải. Đến khi gia đình đưa bé về quê điều trị, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Bình Định lại nghi ngờ có dị vật đường thở qua ảnh chụp CT.

Lúc này, người nhà xin chuyển bé vào Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị. Qua kiểm tra, các bác sĩ xác định, đây là 1 trường hợp khó và hy hữu, khi dị vật nằm trong phổi quá lâu và rất sâu ở phế quản hạ phân thùy phổi bên phải.

Tiến sĩ, bác sĩ Phú Quốc Việt, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng chia sẻ, sau nhiều nỗ lực soi, ekip đã thấy được dị vật, nhưng vị trí dị vật thật sự là 1 thử thách.

Hậu phẫu 2 ngày, bé đã có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường trở lại.

 

 

Cẩn trọng trẻ mắc dị vật. Ảnh: Internet

Theo Báo VietNamNet vào năm 2013, một chiếc còi nhựa gắn trên con thú đồ chơi đã lọt vào phổi một bé trai 3 tuổi. Gia đình bệnh nhi không hay biết trong suốt gần 2 tháng cho tới khi tình trạng bé trở nặng.

Sau khi làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện phổi của bé có dị vật, gây viêm phổi nặng.

Ngay sau đó, bệnh nhi được làm nội soi gắp dị vật, và bác sĩ đã gắp ra một chiếc còi nhựa màu trắng. Bác sĩ lưu ý phụ huynh hết sức cẩn trọng với đồ chơi của trẻ, nhất là các bé ở độ tuổi từ 1 – 3. Trẻ ở lứa tuổi này chưa ý thức được sự nguy hiểm, hay bỏ các vật nhỏ vào miệng, mũi dẫn tới nguy cơ bị sặc, hóc dị vật. Không phải trường hợp sặc dị vật nào cũng được may mắn cứu sống.

Theo Vinmec, việc phát hiện sớm tình trạng trẻ bị nghẹt đường thở do hóc dị vật là vô cùng quan trọng. Bố mẹ cần cần nghĩ tới dị vật đường thở khi trẻ đang chơi, đang ăn đột nhiên có các biểu hiện như: ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở, trợn mắt, có thể cố ho, khạc để tống dị vật ra ngoài. Tình trạng này có thể chỉ thoáng qua rồi tự hết khi dị vật đã được đưa ra ngoài, tuy nhiên nếu không xử trí kịp thời trẻ có thể ngưng thở và tử vong ngay sau đó.

Để tránh trẻ bị hóc dị vật, hãy để các vật nhỏ tránh xa tầm tay trẻ em, cắt thức ăn thành những miếng nhỏ và luôn chú ý trông chừng trẻ, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi.

Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật, cần hết sức bình tĩnh, không dùng tay hay vật bất kỳ để móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy dị vật vào sâu hơn. Hơn nữa, việc móc họng có thể dẫn đến nôn ói, trẻ hít sặc lại chất ói lại càng nguy hiểm hơn.

Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, không khó thở, vẫn khóc được hoặc nói được thì khuyến khích trẻ ho và nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng bị hóc dị vật đường thở thì sẽ được lấy ra an toàn.

Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành sơ cứu kịp thời trong thời gian đợi xe tới.