Bé 8 tháng tuổi bị bỏng nặng, gia đình đắp lông chó để sơ cứu
Chiều 5/11, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi T.A. (8 tháng tuổi, trú tại Quỳnh Lưu) bị bỏng cháo nóng từ trên ngực xuống bàn chân.
Trước đó, ngay sau khi bị bỏng, gia đình đã sơ cứu cho bé. Qua lời giới thiệu của hàng xóm, gia đình đem bé tới thầy lang chữa mẹo bằng cách dùng lông động vật (phần nhiều là lông chó) đắp lên vết bỏng.
Sau bước điều trị của thầy lang, gia đình mới đưa bé T.A. nhập viện. Các bác sĩ nhận định rõ nguy cơ nhiễm trùng do cách sơ cứu phản khoa học trên.
Bé T.A. bị bỏng cháo nóng 32% diện tích cơ thể độ II, III. Các bác sĩ tiến hành truyền dịch, giảm đau cho trẻ và chuyển tới phòng tắm điều trị bỏng. Bệnh nhi được làm sạch toàn bộ lông động vật trên tổn thương bỏng, thay băng đắp thuốc điều trị bỏng, đề phòng nhiễm trùng vết thương bỏng.
Hiện, bé vẫn đang sốt cao (39 độ C), các bác sĩ duy trì hạ sốt, giảm đau, theo dõi bé.
Bác sĩ cho biết thêm, nhiều trẻ bị bỏng ở các dạng như: bỏng do nước sôi, cồn, lửa, ống bô, điện, hóa chất... Trong số các bệnh nhân phải nhập viện, rất nhiều trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Bỏng là tai nạn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, song bên cạnh các biện pháp dự phòng, việc sơ cứu ban đầu cho nạn nhân rất quan trọng và càng sớm càng tốt. Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy, không phải ai cũng biết cách sơ cứu ban đầu khi bị bỏng. Nếu xử lý sai cách có thể khiến tổn thương tăng độ sâu, gây biến chứng nguy hiểm và mất rất nhiều thời gian cho việc điều trị, tốn kém tiền của, thậm chí dẫn đến tử vong.
Trong quá trình điều trị, không ít lần, các bác sĩ gặp phải các trường hợp bệnh nhân bị bỏng nhập viện với tình trạng nặng, thậm chí tử vong do sử dụng các phương pháp xử lý bỏng sai lầm, phản khoa học.
Trong đó, lỗi sai khi sơ cứu phổ biến nhất mà nhiều người mắc phải là bôi nước mắm, kem đánh răng, trứng gà, sữa bột lên vùng bị bỏng; đắp hành tỏi, dầu mỡ... Nhiều trường hợp còn dùng viên đá lạnh để chườm trực tiếp lên vết bỏng, chính điều này đã làm cho tổn thương trở nên nặng hơn.
Để phòng tránh tai nạn bỏng hiệu quả nhất, việc nâng cao ý thức "phòng bệnh hơn chữa bệnh" từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình rất cần thiết, nhất là những gia đình có trẻ em. Bên cạnh đó, người dân cũng cần trang bị cho mình những kiến thức kỹ năng cơ bản trong việc sơ cứu, xử lý vết bỏng đúng cách nhằm tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...
Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại ở 1 huyện
Huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại sau khi phát hiện nhiều con chó cắn...