Mẹ cần phân biệt rõ giữa triệu chứng táo bón và thay đổi quy luật đại tiện ở trẻ

Khi trẻ thay đổi quy luật đại tiện

Thông thường xảy ra ở những bé từ 4 đến 6 tháng tuổi, phân có màu vàng hơi mềm. Lúc trẻ đi đại tiện sẽ không khóc quấy, không bị đau nhưng khoảng cách giữa các lần sẽ kéo dài, thậm chí có thể kéo dài hơn 5 ngày.

Mẹ nên phân biệt trẻ bị táo bón hay chỉ thay đổi quy luật đại tiện - Ảnh minh họa: Internet

Khi trẻ chỉ đơn thuần có sự thay đổi về quy luật đại tiện, đa số sẽ không bị chướng khí, đau bụng. Vì vậy, nếu mọi vấn đề khác đều diễn ra bình thường thì hiện tượng trẻ sơ sinh 5 ngày không đi đại tiện cũng không đáng lo ngại, không cần dùng thuốc điều trị.

Khi trẻ bị táo bón

Táo bón có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng sẽ thường gặp ở trẻ sau 6 tháng tuổi. Tình trạng phân có xu hướng khô nhưng rời rạc. Trẻ có biểu hiện đi đại tiện khó khăn, dễ khóc quấy, thậm chí sau khi đại tiện còn dễ bị nứt hậu môn. Ở những trẻ lớn hơn còn sinh ra tâm lý sợ đi đại tiện.

Bé không đi đại tiện được nếu vì nguyên nhân táo bón sẽ thường kèm theo triệu chứng chướng khí, đau bụng. Nếu sau những cải thiện ăn uống và chăm sóc mà tình hình không giảm, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện, không nên để kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của trẻ.

Ngoài ra, theo các chuyên gia sức khỏe trẻ em khuyến cáo trên Erbohui, mẹ cần quan sát thêm những biểu hiện khác để phán đoán trẻ có bị táo bón hay không.

Ví dụ: Trẻ đi phân cứng nhưng ít nhất mỗi ngày đại tiện một lần (trừ những trẻ còn bú duy nhất sữa mẹ). Trẻ phải dùng sức để đại tiện và bị đau bụng.

Táo bón khiến trẻ đi đại tiện khó khăn và bị đau - Ảnh minh họa: Internet

Trong một số trường hợp khác còn có hiện tượng bề mặt phân hoặc bên trong phân trẻ có kèm theo ít máu. Mỗi lần đi đại tiện ra một lượng phân lớn, trẻ sẽ thấy giảm bớt đau bụng trong thời gian ngắn.

Giải pháp cho mẹ khi trẻ không đi đại tiện

Dù là táo bón hay thay đổi quy luật, tình trạng trẻ không đi đại tiện kéo dài vẫn không tốt cho sự phát triển. Mẹ có thể áp dụng những phương pháp sau để cải thiện tình hình cho trẻ.

Căn cứ vào việc bé chỉ bú sữa mẹ hay đã bú sữa bột (thông thường trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi)

Hàm lượng nước trong sữa mẹ rất cao nên khi bé còn bú đơn thuần sữa mẹ sẽ rất ít khi bị táo bón. Điều quan trọng lúc này là mẹ cần đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý. Các loại rau xanh, trái cây, lương thực thô đều tốt để cân bằng dinh dưỡng, giàu chất xơ thúc đẩy đại tiện.

Nếu trẻ đã uống được nước thì ngoài sữa mẹ, có thể cho bé bú thêm một ít nước. Ngoài ra, giữa hai cữ sữa, mẹ có thể tắm cho bé thoải mái, sau đó tắm nắng vừa phải để trẻ dễ ngủ hơn. Sau giấc ngủ dài, mẹ có thể bổ sung 5 – 10ml nước ấm cho trẻ.

Nếu trẻ đã bú sữa ngoài thì giữa hai cữ sữa, mẹ cũng nên cho trẻ bú thêm một ít nước ấm để đảm bảo lượng nước cần thiết cho cơ thể, hạn chế tình trạng nhiều ngày mà trẻ không đi đại tiện được.

Massage bụng giúp kích thích nhu động dạ dày và đường ruột, cải thiện táo bón - minh họa: Internet

Tiến hành động tác massage bụng cho trẻ

Mẹ đặt trẻ nằm ngay ngắn, thoải mái trên giường và dùng hai lòng bàn tay massage nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ quanh vùng rốn của trẻ. Mỗi lần thực hiện 15 phút và chỉ cần làm một lần vào buổi tối mỗi ngày.

Trước khi massage, mẹ có thể nhỏ vài giọt dầu ôliu vào lòng bàn tay và chà xát cho nóng lên. Thao tác massage cũng có thể thực hiện cách một lớp áo mỏng của trẻ, chỉ cần đảm bảo tay của bạn không bị lạnh.

Tăng cường thực phẩm giúp trẻ hấp thu chất xơ thực vật và chất béo khỏe mạnh

Khi trẻ đã bắt đầu ăn dặm (từ 6 tháng tuổi trở lên), chế độ ăn uống ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng đi đại tiện của trẻ. Bình thường, mẹ nên chế biến những món ăn giàu chất xơ thực vật, chất béo khỏe mạnh để hạn chế nguy cơ trẻ bị táo bón, hoặc thay đổi quy luật đại tiện.

Mẹ nên bổ sung rau xanh và trái cây để tăng cường chất xơ thực vật cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Khi trẻ đã có thể ăn rau quả tươi, mỗi ngày mẹ nên cho trẻ ăn đa dạng hơn và thay đổi liên tục để đảm bảo đủ chất, hỗ trợ tiêu hóa và giúp trẻ có quy luật đi đại tiện khỏe mạnh nhất. Bông cải xanh, đậu ván nấu chín mềm là lựa chọn lý tưởng cho những trẻ lớn bị táo bón.

Đảm bảo cho trẻ hoạt động vừa sức

Nếu bé còn nhỏ chưa thể tự hoạt động và vui chơi, mẹ có thể thông qua các động tác hỗ trợ trẻ lật mình, bò, co duỗi tay chân để thúc đẩy nhu động dạ dày, đường ruột. Khi trẻ lớn hơn, hãy tổ chức thời gian cho trẻ vui chơi, vận động thể chất vừa phải để tăng cường trao đổi chất, hạn chế bị táo bón.

Nguồn: https://www.erbohui.com/chanhou/yuezi/4003.html