Bé 2 tuổi qua đời vì hóc xúc xích

Hôm 12/11 vừa qua, tại nhà trẻ Mini Learners ở Radlett, Hertfordshire (Anh) đã xảy ra một vụ hóc nghẹn thức ăn khiến một bé gái 2 tuổi tử vong sau đó.

Đến giờ ăn trưa của trường thì bé Sadie bị nghẹn đến không thể thở được vì miếng xúc xích. Khi bắt gặp tình trạng của cháu bé, nhà trường đã nhanh chóng gọi xe cấp cứu và các nhân viên y tế đã đến đưa đứa trẻ đến bệnh viện St Mary. Nhưng đáng tiếc hai ngày sau, Sadie từ giã cõi đời.

Sau vụ việc đau lòng của bé Sadie người thân đã yêu cầu nhà trường bỏ xúc xích ra khỏi khẩu phần ăn của trẻ em. Họ nói: “Xúc xích vốn nổi tiếng bởi hình thù kỳ dị với lớp da dai ở bên ngoài. Điều này khiến trẻ khó nhai hơn nên trẻ sẽ nuốt trọng và dễ bị mắc nghẹn. Chưa hết, quả nho cũng nên được nằm trong danh sách loại khỏi các thực phẩm dành cho trẻ em vì chúng tròn, trơn, trẻ em rất dễ vô tình bị mắc nghẹn khi ăn cả quả. Vì thế, chúng tôi kêu gọi các trường học không nên đưa xúc xích và nho cho trẻ ăn để tránh trường hợp có gia đình khác phải trải qua nỗi đau như của gia đình Sadie”.

Bé hóc xúc xích khi đang ăn trưa (Ảnh minh họa: Internet)

Nguyên nhân gây ra hóc dị vật ở trẻ nhỏ

Trong phần lớn các trường hợp tai nạn xảy ra do hóc, nghẹn dị vật thì đa số xuất phát từ những trường hợp trẻ đang ăn hoặc chơi. Nguyên nhân ở đây là do trẻ còn nhỏ, cơ thể chưa hoàn thiện để có những phản xạ đóng nắp thanh quản khi nuốt dẫn tới thức ăn, dị vật bị lạc xuống và lấp mất đường thở của trẻ.

Các bước kiểm tra và tiến hành sơ cứu trẻ em bị hóc dị vật

Bước 1: Kiểm tra xem bé còn thở không

- Nếu bé trở nên tím tái, hãy nhanh chóng kiểm tra ngực bé xem còn chuyển động lên xuống không và lắng nghe nhịp thở.

- Nếu bạn nghĩ bé hóc thứ gì đó, cố gắng loại bỏ dị vật với ngón tay làm thành một cái móc. Chỉ làm điều này nếu bạn có thể nhìn thấy dị vật trong họng con. Nếu không nhìn thấy, tuyệt đối không cho tay vào vì khi đó, bạn có thể đẩy vật cản vào sâu trong cổ họng.

- Dùng tay kiểm tra mạch đập của bé.

- Nếu trẻ bất tỉnh, loại bỏ bất cứ thứ gì có thể thấy ở miệng bé và bắt đầu thực hiện thủ thuật cấp cứu cho đến khi xe cứu thương đến. Tốt nhất là nhờ người khác gọi xe trong khi bạn bắt đầu làm sạch các vật gây nghẹt cho bé.

Bước 2: Vỗ lưng

- Đặt bé nằm sấp trên cánh tay, đầu chúc xuống hơi thấp hơn ngực và cánh tay thả lỏng tựa vào cẳng chân bạn. Đỡ đầu của bé bằng lòng bàn tay bạn. Nếu bé quá nặng, bạn có thể đặt bé nằm xuống đùi bạn.

- Dùng gót bàn tay vỗ mạnh 5 cái vào lưng (vùng giữa hai xương bả vai của trẻ).

- Kiểm tra miệng xem có dị vật nào không và lấy ra. Nếu biện pháp vỗ lưng không hiệu quả thì chuyển sang động tác ấn ngực.

Ấn lưng, sơ cứu cho trẻ khi bị hóc dị vật (Ảnh minh họa: Internet)

Bước 3: Ấn ngực

- Đặt bé nằm trên đùi bạn với đầu thấp hơn thân. Đặt 3 ngón tay phải ở giữa ngực bé (xương ức, ngay dưới núm vú). Ngón giữa của bạn nên để ngay giữa ngực.

- Khi đã đặt các ngón tay đúng chỗ, nâng ngón tay giữa và chỉ sử dụng các ngón tay còn lại để đẩy lên 5 lần, thật chắc.

Bước 4: Kiểm tra lại miệng bé và loại bỏ dị vật

Xem bé đã thở lại chưa, nếu chưa, tiếp tục thực hiện vỗ lưng, ấn ngực cho tới khi xe cấp cứu tới.

Nếu dị vật đường thở vẫn chưa được tống xuất ra ngoài và trẻ nhỏ có dấu hiệu bất tỉnh thì phải xử trí như các trường hợp trẻ bị bất tỉnh, đồng thời tìm mọi cách đưa trẻ nhỏ đến ngay bệnh viện càng sớm càng tốt. Nên nhớ rằng dị vật đường thở nếu không được lấy ra kịp thời sẽ làm cho trẻ nhỏ bị ngạt thở và có thể dẫn đến tử vong.

Trẻ em bị hóc dị vật cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng, nên khi trông con bố mẹ nên hạn chế cho trẻ chơi với những đồ chơi có hình tròn vữa tay, dễ nuốt. Khi cho con ăn tuyệt đối không cho con cười đùa quá trớn cũng dễ dẫn đến tình trạng hóc nghẹn. Để đảm bảo an toàn cho con bố mẹ nên trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết nhất nhé.