Mướp là thức quả vô cùng quen thuộc, thường được dùng để chế biến những món ăn thanh mát. Trong Đông y, mướp có tính mát, vị ngọt thanh, không độc nên có công hiệu điều trị một số loại bệnh. Cùng đi tìm hiểu một số tác dụng của quả mướp ngoài mục đích thực phẩm để không bỏ lỡ bất cứ hữu ích nào từ thức quả thiên nhiên này.

Giá trị dinh dưỡng của mướp

Hiện nay nước ta trồng được rất nhiều giống mướp với những tên gọi dân gian như mướp ta hay còn gọi mướp thường (tên khoa học là Luffa cylindrica (L.) Roem.) và mướp hương (tên khoa học là Luffa acutangula Roxb.).

Theo các nghiên cứu khoa học đã công bố, cứ trong 100g mướp đã có chứa tới 0,9g protit, 3g ghucit, 0,1g lipit, 0,5g xeluloza, 160mcg betacaroen, 95g nước cùng nhiều vitamin như B, C,...

Các tài liệu Đông y cho biết mướp có tính mát, vị ngọt thanh, không có độc kể cả khi sử dụng liên tục. Chính vì vậy trái mướp được trồng rất phổ biến ở khắp mọi nơi để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm và bên cạnh đó còn để làm thuốc chữa bệnh.

Không chỉ trái mướp mới có nhiều công dụng, từ lá, dây cho đến xơ mướp đều có thể chế biến thành những món ăn ngon hoặc làm thuốc. Tìm hiểu được giá trị dinh dưỡng của trái mướp rồi, các bạn nhất định đừng dừng lại mà hãy tiếp tục đi tìm hiểu những tác dụng của quả mướp vô cùng hữu ích sau đây.

Mướp là thực phẩm quen thuộc của mọi gia đình - Ảnh minh họa: Internet

Tác dụng của quả mướp trong điều trị bệnh viêm xoang

Quả mướp trị viêm xoang, chắc chắn không nhiều người biết đến sự hữu ích này của trái mướp. Tuy nhiên từ xa xưa, mướp đã được sử dụng để làm thuốc trị bệnh viêm xoang. Trái mướp có thể thông huyết, hoạt lạc, thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, có tác dụng hữu hiệu trong việc điều trị bệnh viêm xoang, viêm mũi mãn tính.

Cách điều trị bệnh viêm xoang từ trái mướp:

- Mướp tươi mới hái từ trên giàn xuống rửa sạch, phơi khô nơi thoáng mát, nhiều nắng. Tránh phơi mướp ở những nơi bụi bặm, ẩm thấp dễ sinh nấm mốc và vi khuẩn gây bệnh.

- Mướp sau khi phơi khô hãy cắt nhỏ, bỏ vào chảo rang vàng cho tới khi mướp khô dậy mùi thơm. Lưu ý không để mướp cháy, có mùi khét.

- Mướp sau khi sao khô thì nghiền hoặc tán nhỏ thành bột mịn. Bảo quản trong lọ kín, đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Đối với người mắc bệnh viêm xoang, viêm mũi mãn tính mỗi ngày chỉ cần hòa khoảng 6 gam bột mướp (tương đương với 1 thìa canh nhỏ) với nửa cốc nước ấm, uống trước khi ăn vào mỗi buổi sáng.

Người bệnh nên lưu ý phải uống bột mướp trước khi chưa ăn gì để đảm bảo dạ dày có thể hấp thụ tối đa các dưỡng chất chữa bệnh. Bạn có thể hoàn toàn yên tâm việc uống trước khi ăn bởi bột mướp hoàn toàn lành tính, không có axit gây tăng dịch vị dạ dày hay gây đầy bụng, buồn nôn.

Chỉ cần bạn kiên trì thực hiện bài thuốc này trong vòng 8 ngày là sẽ thấy ngay công hiệu. Các triệu chứng của bệnh viêm xoang như hắt hơi, chảy nước mũi, có đàm cũng sẽ giảm hẳn.

Tác dụng của quả mướp trong điều trị viêm xoang - Ảnh minh họa: Internet

Tác dụng của quả mướp trong điều trị tiểu đường

Dân gian có lưu truyền bài thuốc trái mướp nướng trị tiểu đường. Tuy nhiên ăn mướp có tốt không với những bệnh nhân tiểu đường và trái mướp có thực sự trị được bệnh tiểu đường không là vấn đề nhiều người băn khoăn.

Những giá trị dinh dưỡng có trong trái mướp đã được khoa học chứng minh. Không những thế trái mướp tuy có vị ngọt nhưng lượng đường lại rất thấp. Chính vì vậy mướp được coi là một thực phẩm lành lạnh đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Thực đơn hàng ngày của người bệnh đều có thể bổ sung thêm trái mướp.

Tuy vậy thực hư câu chuyện trái mướp nướng trị tiểu đường là hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Trái mướp chỉ là một trong những thực phẩm có ích nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng của người bệnh tiểu đường chứ không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Mướp chỉ là thực phẩm tốt cho người mắc bệnh tiểu đường - Ảnh minh họa: Internet

Ăn mướp có tốt cho bà bầu không?

Các mẹ bầu đều biết trong 1 trái mướp nhỏ có chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng. Trong đó đều là những nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của mẹ và bé. Ăn mướp thường xuyên không chỉ tốt mà còn có lợi đủ đường cho bà bầu.

Nhiều mẹ bầu thường mắc chứng nóng, nhiệt trong thời gian thai kì. Trái mướp lại có chứa rất nhiều vitamin C và nước. Thường xuyên ăn mướp sẽ giúp các mẹ bầu giảm được tính nóng trong cơ thể. Giúp mẹ bầu cảm thấy bớt nóng nực vào những ngày tiết trời oi nóng.

Bật mí cho những mẹ bầu bị những đốm mụn làm phiền thêm tác dụng của quả mướp trong làm đẹp. Bạn chỉ cần lấy 1 quả mướp non, rửa thật sạch, giữ nguyên vỏ, giã nát, vắt lấy nước. Sau khi rửa sạch mặt, bạn chỉ cần thoa nước ép mướp non này lên mặt, những đốm mụn đáng ghét sẽ nhanh chóng biến mất, không để lại sẹo thâm.

Không chỉ có tác dụng với mụn, mỹ phẩm thiên nhiên dễ làm này còn giúp những vết thâm nám xuất hiện trong thai kì của mẹ bầu mờ dần đi. Làn da mịn màng, tươi sáng trở lại.

Mướp rất có lợi với sức khỏe mẹ bầu - Ảnh minh họa: Internet

Nhiều mẹ bầu thắc mắc ăn mướp có lợi sữa thật không vì thấy kinh nghiệm dân gian truyền lại. Đó là điều hoàn toàn xác thực. Trái mướp có tác dụng "gọi sữa" vô cùng thần kì. Ăn mướp không chỉ giúp tăng thêm chất đề kháng trong sữa mẹ, còn giúp bổ sung canxi cho bé.

Các món ăn với mướp

Đã hiểu rõ được ăn mướp có tác dụng gì thì chắc chắn các bạn sẽ thường xuyên bổ sung trái mướp vào thực đơn hàng ngày của gia đình mình. Các món ăn với mướp vừa đa dạng lại rất dễ chế biến. Từ đơn giản nhất là món mướp luộc để giữ nguyên hương vị tươi ngon của trái mướp cho đến nấu canh, xào, làm nộm đều mang đến những mùi vị riêng biệt.

Mướp chế biến được rất nhiều món ăn bổ dưỡng - Ảnh minh họa: Internet

Một số món canh đơn giản, thơm ngon từ trái mướp:

- Canh mướp nấu thịt: Mướp nạo vỏ, rửa sạch, thái miếng vuông hoặc vát. Phi thơm hành khô, cho chút thịt lợn băm vào đảo, nêm chút gia vị. Bạn đảo thịt khoảng 1 phút thì trút mướp vào đảo thêm 2 phút nữa rồi thêm 2 chén canh nước. Bật lửa thật to để canh mướp nhanh sôi, nêm lại gia vị, trút hành lá cắt nhỏ vào là có thể thưởng thức.

- Canh mướp nấu cua: Cua làm sạch, giã nhỏ, lọc lấy nước, đun sôi cùng chút muối. Gạch cua chưng lên cùng mỡ hành. Mướp nạo vỏ, thái vát miếng vừa ăn. Rau mồng tơi, rau đay thái nhỏ. Nước cua sôi, bạn cho mướp vào trước rồi đến rau. Sau khi canh sôi trở lại thì nêm gia vị, rưới gạch cua đã chưng lên và tắt bếp.

- Canh mướp nấu lạc: Lạc rửa sạch, giã sơ. Trút lạc vào nồi xào cùng chút gia vị, 1 chút dầu ăn. Mướp nạo vỏ, rửa sạch, thái miếng vừa ăn. Nước lạc sôi bạn cho mướp vào, đun to lửa để canh sôi trở lại thì nêm gia vị, thêm hành lá là món canh thơm ngon hoàn thành.

Trong cái nóng oi ả của ngày hè, một canh mướp, một đĩa mướp xào cũng đã đủ hấp dẫn để đưa cả gia đình bạn lại gần mâm cơm gia đình nhanh hơn. Tuy nhiên khi chế biến, các bạn nhớ lựa chọn những trái mướp tươi, vỏ không quá trầy trụa, thịt mướp không bị dập, thối. Trái mướp tươi sẽ đảm bảo chất dinh dưỡng được giữ nguyên vẹn và hương vị cũng thơm ngon hơn sau khi chế biến.

Những tác dụng của quả mướp bạn nếu đã biết thì nhất định đừng bỏ qua. Trái mướp vừa có thể làm thuốc, vừa có thể chế biến thành những món ngon đổi vị bữa ăn gia đình.