Ngày 27/9, nguồn tin riêng của phóng viên Dân trí cho biết, vừa qua Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã tiếp nhận điều trị một trường hợp bị bỏng thương tâm vì nổ khí gas tại khách sạn.

Bệnh nhân là anh N.T.T. (48 tuổi, quê Bình Thuận). Theo lời kể của gia đình, anh T. làm bảo vệ cho một khách sạn ở TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Rạng sáng 26/9, anh phát hiện tại khu vực bếp của khách sạn có mùi khí gas nồng nặc nên tiến đến kiểm tra.

Tuy nhiên khi vừa bật công tắc đèn, bình gas trong phòng phát nổ khiến người đàn ông bị thương nặng, cơ thể cháy đen.

Anh T. được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó chuyển gấp lên tuyến trên. Tại khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân trong tình trạng bỏng diện tích 89% độ 2-3 toàn thân, sốc bỏng, bỏng hô hấp nặng.

Chị H., vợ anh T. cho biết, khoảng 7h ngày 26/9 (tức sau 1 tiếng chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu), gia đình được nhân viên y tế thông báo bệnh nhân đã ngừng tim, ngừng thở, mạch và huyết áp bằng 0.

Khoa Phỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi điều trị cho bệnh nhân T. (Ảnh: Hoàng Lê).

"Lúc đó bệnh viện đã viết giấy báo tử, kêu chuẩn bị đưa về. Gia đình đã mua quần áo, mền để chờ lo hậu sự. Nhưng bác sĩ cấp cứu nói còn nước còn tát, tiếp tục kích điện tim cho chồng tôi. Tầm 30 phút sau, chồng tôi đập tim trở lại, sau đó cũng có lại mạch và huyết áp", vợ bệnh nhân nói.

Theo bác sĩ, trường hợp này bệnh nhân bị bỏng trong phòng kín, nên khả năng đã hít nhiều muội than, khí độc, vì gas làm cháy những vật liệu xung quanh. Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân đã được ekip điều trị đặt nội khí quản, đặt máy thở, bù dịch, điện giải, dùng kháng sinh, kháng viêm, chống phù nề.

Dù có tim trở lại nhưng vì vết thương quá nặng, rạng sáng 27/9, anh T. không qua khỏi.

Các bác sĩ khuyến cáo, trong những trường hợp có cháy nổ, hỏa hoạn, người dân cần dùng khăn ướt che mũi, miệng lao ra nhanh ngoài để hạn chế hít phải muội than, khí độc. Nếu đã lỡ hít, phải tìm cách khạc ra và đến ngay bệnh viện để nội soi, rửa phổi, loại bỏ dị vật.