Một hình ảnh quảng cáo SQA. Ảnh chụp màn hình

Thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lên tiếng sản phẩm “tăng cân SQA” của Công ty TNHH Infinity Beauty Việt Nam chưa được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định nhưng đã rao bán tràn lan tại thị trường trong nước.

Còn theo Tổng cục Hải quan, không có thông tin nhập khẩu mặt hàng viên uống tăng cân SQA, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tăng cân SQA xuất xứ Nhật Bản.

Việc sản phẩm SQA không được cơ quan quản lý cấp phép nhưng vẫn rao bán tràn lan đã đặt ra mối lo ngại đối với sức khỏe người dùng sử dụng viên tăng cân này.

Đáng chú ý, thời gian qua nhiều người tiêu dùng thông thạo tiếng Nhật Bản đã phát hiện bao bì của sản phẩm SQA còn in sai lỗi chính tả, gây nghi ngờ về sự thật có xuất xứ Nhật Bản hay không. Trước sự việc, nhiều người tiêu dùng đã lên tiếng yêu cầu công ty giải thích, xuất trình giấy tờ hợp pháp của sản phẩm tăng cân SQA nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) trong tháng 9/2019 đã yêu cầu cơ quan quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng thẩm tra, xác minh thông tin danh sách tên và địa chỉ trụ sở của các thương nhân, tổ chức, cá nhân có kinh doanh sản phẩm viên uống tăng cân SQA. Trong đó, xử nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử có vi phạm.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Thế Giới Tiếp Thị, đến nay, những thông tin liên quan đến viên tăng cân SQA vẫn được đăng rầm rộ trên nhiều trang web, trong đó rầm rộ nhất là trên mạng xã hội Facebook, các website cá nhân và trang thương mại điện tử (như www.giamcan..., www.nil..., www.aishi...).

“Nhận chữa bệnh gầy - gầy lâu năm - ăn mãi không béo”, “Gầy thế nào cũng chữa khỏi”, “Bán thuốc tăng cân như lột xác”, “SQA tăng cân nhanh chóng”… - hàng loạt thông tin như vậy đang xuất hiện tràn lan trên mạng quảng cáo cho SQA.

Các thông tin rao bán vẫn xuất hiện tràn lan trên mạng. Ảnh chụp màn hình.

Thậm chí, nhằm gây sự chú ý đối với người tiêu dùng, đặc biệt là người gầy đang có nhu cầu tăng cân, cải thiện sức khỏe, rất nhiều người kinh doanh sản phẩm này quảng cáo đó là “thần dược chữa gầy số 1 Việt Nam”, có thể tăng tới 5-8kg mỗi tháng.

Đáng chú ý, nhiều tài khoản Facebook cá nhân quảng cáo SQA như một loại thần dược, sử dụng hình thức bình luận kiểu “người tung kẻ hứng” để lôi kéo người mua. Một số tài khoản còn đăng hình ảnh người dùng trước và sau khi uống nhưng không có sự xác thực.

 Những hình ảnh trước và sau khi sử dụng được tung lên mạng nhằm lôi kéo người tiêu dùng. Ảnh chụp màn hình.

Trong thực tế, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy vì tin vào hiệu quả như quảng cáo nên rất nhiều người tiêu dùng đã chấp nhận bỏ tiền ra mua.Qua tìm hiểu của Thế Giới Tiếp Thị, giá bán của sản phẩm SQA từ 800.000-850.000 đồng/hộp, uống trong 30 ngày.

Qua trao đổi với một cá nhân rao bán trên Facebook, tại địa chỉ “Tăng cân SQA…”, người bán này cho biết viên tăng cân đã được nhiều người sử dụng hàng năm nay, đều cho kết quả tốt. Cửa hàng bán số lượng lớn, không có ai phản ánh về việc sản phẩm kém chất lượng.

Tuy nhiên, khi phóng viên trao đổi về việc cơ quan chức năng đang cấm kinh doanh QSA, người bán này nói, không hề biết và việc kinh doanh vẫn diễn ra bình thường.

Khảo sát của Thế Giới Tiếp Thị, với từ khóa “SQA”, trên Facebook xuất hiện hàng trăm tài khoản cá nhân đang rao bán. Trong đó có rất nhiều bài viết, bình luận tại thời điểm từ ngày 20-25/9, tức là sau thời điểm cơ quan chức năng có “lệnh” cấm kinh doanh.

Thế Giới Tiếp Thị sẽ tiếp tục phản ánh về việc xử lý tình trạng viên tăng cân SQA vẫn được rao bán tràn lan, làm loạn thị trường bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng.