Dự báo khi tiến vào quần đảo Hoàng Sa, bão Goni giảm xuống còn cấp 8, giật cấp 10 (ảnh chụp vệ tinh sáng 2/11)

Rạng sáng 5/11, bão Goni sẽ đổ bộ từ Đà Nẵng tới Phú Yên

Trưa nay, 2/11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 10.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết: Dự báo tới 7 giờ 3/11 vị trí tâm bão số 10 (Goni) sẽ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Đến 7 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam khoảng 300km, cách Quảng Ngãi và Bình Định khoảng 220km, cách Phú Yên khoảng 240km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo khoảng đêm ngày 4/11, rạng sáng ngày 5/11, bão số 10 sẽ đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng - Phú Yên với sức gió cấp 8; thời điểm này mực nước triều cao nhất đạt 0,84m, sóng biển cao từ 4-6m.

Trong một diễn biến khác, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên chiều và đêm nay (2/11) ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa và mưa nhỏ rải rác. Các tỉnh Bắc Trung Bộ từ đêm nay có mưa, mưa rào rải rác. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến khoảng 18-21 độ, vùng núi có nơi dưới 18 độ. Trời tiếp tục lạnh về đêm và sáng.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 10 vào trưa nay, 2/11

Ngổn ngang khắc phục hậu quả bão số 9

Theo Ban chỉ đạo TƯ về PCTT, khu vực Quảng Trị - Khánh Hòa vừa chịu thiệt hại nặng nề của bão số 9 trên cả 3 tuyến gồm biển, ven biển và miền núi.

Cụ thể, thống kê thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ sau bão tới sáng nay, 2/11, đã khiến 82 người chết và mất tích.

Hiện vẫn còn 15.484 hộ bị ngập, trong đó Nghệ An 13.573 hộ, Hà Tĩnh 1.909 hộ. Một số khu vực bị cô lập: các xã Phước Công và Phước Thành, huyện Phước Sơn (Quảng Nam); xã Hưng Nhân, Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).

Bão số 10 đang tiến vào quần đảo Hoàng Sa khi trên biển vẫn còn 4 tàu kiểm ngư với 140 thủy thủ đang tìm kiếm 23 thuyền viên trên 2 tàu Bình Định bị chìm trong bão số 9.

Trên đất liền, tại khu vực Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam), hiện đang có hơn 1.200 cán bộ, chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và nhân dân trong khu vực, cần đảm bảo an toàn.

Về thiệt hại giao thông, tới nay vẫn còn còn 14 điểm sạt lở chưa thông xe trên QL 49 (Thừa Thiên Huế), đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (qua Quảng Trị, Thừa Thiên Huế).

Tại Bình Định, sự cố sạt lở kè biển Tam Quan với chiều dài khoảng 1.600m và nhiều đoạn đê, kè bị bồi lấp, hư hỏng.

Tại Quảng Nam khoảng 5.100m đê bị sạt lở, hư hỏng (Duy Xuyên: 50m, Núi Thành 5.000m, Hội An 50m).

Lực lượng chức năng đang tiếp tế lương thực và nước uống cho 4 xóm bị ngập ở xã Thanh Xuân, Thanh Chương (Nghệ An)

 Hầu hết hồ chứa các tỉnh miền Trung đã đầy nước

Trước giờ bão số 10 đổ bộ, theo báo cáo, hiện có 20 hồ chứa vừa và lớn từ Quảng Trị - Khánh Hòa đã đầy nước, 9 hồ đạt dung tích trên 90%, 3 hồ đang xả tràn (Tả Trạch, Thuận Ninh, Hòn Lập).

Khu vực Trung Bộ có 49 hồ chứa thủy điện vận hành điều tiết qua tràn (Bắc Trung Bộ 13; Duyên Hải Nam Trung Bộ 16; Tây Nguyên 20).

Đáng chú ý từ Bắc Trung Bộ tới Tây Nguyên đang có khoảng 122 hồ chứa thủy lợi hư hỏng và 116 hồ đang thi công.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo yêu cầu khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân còn bị mất tích, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn; đặc biệt đối với các khu vực còn bị ngập lụt, chia cắt, cung cấp lương thực, thực phẩm, y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu khác để đảm bảo cuộc sống của người dân, phòng, chống dịch bệnh.

Tập trung sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng của người dân, khôi phục hạ tầng giao thông, lưới điện, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện sớm ổn định đời sống nhân dân, các hoạt động kinh tế xã hội và sẵn sàng ứng phó với bão số 10.

Tiếp tục rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, chia cắt. Đối với khu vực miền núi, tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng phương án sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn.

Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành đón lũ; đảm bảo an toàn công trình, hạ du, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố đê điều, khu vực bờ biển bị sạt lở do bão số 9 để bảo an toàn. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để ứng cứu khi có tình huống.