Bão dữ chưa tan, lo lũ lớn tràn tới
Chiều 27-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra tình hình phòng chống bão số 4 (bão Noru) ở 2 huyện Triệu Phong và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chú trọng việc sơ tán, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, bảo vệ tài sản khi dân đi trú tránh bão; đồng thời nhắc nhở người dân không được chủ quan sau cơn bão.
Chuẩn bị nguồn lực khắc phục thiệt hại
Đến 17 giờ ngày 27-9, tỉnh Quảng Trị đã sơ tán 4.123 hộ dân với 12.926 người từ vùng nguy hiểm đến nơi an toàn để trú bão số 4. Riêng tại huyện đảo Cồn Cỏ, có trên 320 người dân, cán bộ đã được đưa vào 2 hầm tránh trú bão để bảo đảm an toàn trước khi bão đổ bộ.
Tại Quảng Ngãi, toàn tỉnh đã di dời hơn 23.000 hộ dân với gần 70.000 người. Ngoài ra, tỉnh này cũng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà kể từ 20 giờ tối cùng ngày.
Ở Thừa Thiên - Huế, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh cùng Ban Giám đốc Công an tỉnh và tất cả cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện đều "xắn tay áo" xuống cơ sở. Lực lượng công an, quân đội trầm mình trong mưa, đến từng nhà, cõng từng cụ già, những người neo đơn, tàn tật đến chỗ sơ tán tập trung.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã di dời gần 50.000 người dân đến nơi an toàn. Trong đó, huyện Phong Điền di dời gần 7.300 người. Sở Công Thương tỉnh đã có phương án dự trữ về lương thực - thực phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với 100 tấn mì gói, 100 tấn gạo. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh tự dự trữ và vận động người dân dự trữ lương thực - thực phẩm bảo đảm cho 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.
Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã tập kết 4 xe thiết giáp, trong đó có một xe lội nước, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. "Khi bão đổ bộ, các xe thiết giáp sẽ chở lãnh đạo đi thị sát tình hình và cứu nạn, cứu hộ. Trong các đợt bão trước, xe thiết giáp của Bộ Chỉ huy quân sự Đà Nẵng cũng được huy động đi giúp dân" - đại tá Vinh nói.
Một số khách sạn tại TP Đà Nẵng đã mở cửa miễn phí để đón người dân sơ tán tránh bão, nhất là công nhân, sinh viên, người lao động không kịp về quê hoặc du khách không kịp rời thành phố, đến ở miễn phí để tránh bão. Những khách đã đặt phòng từ trước cũng sẽ được hoàn tiền, miễn phí để yên tâm lưu trú, không phải trả phòng, ra ngoài trong thời điểm nguy hiểm. Trước khi bão đổ bộ, Đà Nẵng có 17.093 lượt khách đang ở lại. Một số khách sạn ven biển trên đường Võ Nguyên Giáp đã có kế hoạch di dời khách qua khách sạn trung tâm.
Ở Quảng Nam, chính quyền tỉnh đã khẩn trương triển khai các phương tiện đưa đón người dân ở vùng nguy hiểm đến khu vực an toàn để phòng tránh bão số 4. 39.897 hộ với 123.714 người tại các khu vực nguy hiểm được đưa đến nơi trú bão an toàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu các địa phương xây dựng phương án huy động, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực tại địa phương và phương tiện, thiết bị để phối hợp, hỗ trợ các đơn vị bảo trì đường bộ, các đơn vị có hạ tầng thiết yếu kịp thời dọn dẹp cây cối, cột điện, cột viễn thông... ngã đổ trên các tuyến đường ngay sau khi bão đi qua; bảo đảm lưu thông để phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, khắc phục thiệt hại.
Nguy cơ lũ chồng bão
Tại nhiều địa phương miền Trung, đến tối 27-9, dù bão chưa đổ bộ nhưng đã gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng. Theo dự báo, khi bão số 4 đổ bộ sẽ kéo theo mưa rất lớn, gây ngập úng và lũ lớn xuất hiện, gây sạt lở đất.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh đã xác định 5 vùng chịu ảnh hưởng trước và sau khi bão số 4 đổ bộ. Trong đó, vùng trực tiếp ảnh hưởng bão, nước biển dâng thuộc các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và vùng ngập sâu ở trên các lưu vực sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải, sông Hiếu, Sê Pôn.
Quảng Trị đã rà soát, sẵn sàng sơ tán 14.341 hộ với 53.000 người tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng và TP Đông Hà trong trường hợp ngập lũ trên báo động 3. Riêng tại các huyện miền núi, tỉnh này đã lên kế hoạch di dời gần 4.000 hộ dân với 15.000 người để đề phòng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn (ĐKTTV) Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 4 nên từ ngày 27 đến hết 28-9, tỉnh này có mưa to và rất to. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) Thừa Thiên - Huế, cho biết toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỉ m3. Hiện mực nước các hồ chứa đạt từ 20%-30% tổng dung tích; các hồ đang vận hành bảo đảm an toàn, chủ yếu phát điện qua tua-bin.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo tăng cường phát điện qua tua-bin để đưa về mực nước thấp và sẵn sàng đón lũ. Đại diện hồ thủy điện Bình Điền ở sông Hương cho biết hiện mực nước ở hồ là + 60 m, đang nằm ở mực nước "chết" và chỉ chạy phát điện được 1 tổ máy. Vì vậy, cần thêm khoảng 260 triệu m3 nước để hồ thủy điện Bình Điền đạt ngưỡng điều tiết đón lũ là 80,6 m.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam, tới ngày 27-9, đa số các hồ thủy lợi lớn trên địa bàn mới tích nước đạt công suất 30% - 50%. Mực nước tại các cao trình thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh ở mức thấp, các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có thể đón khoảng 900 triệu m3 nước.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay trước mùa mưa bão, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương lập đoàn kiểm tra an toàn hồ đập; yêu cầu các chủ hồ thủy lợi, thủy điện quan trắc, thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn.
Theo ĐKTTV Quảng Nam, dự báo đến ngày 29-9, các địa phương trong tỉnh có mưa to đến rất to. Các sông trên địa bàn tỉnh nhiều khả năng xuất hiện đợt lũ ở mức báo động 1 đến trên báo động 2. Mưa lớn có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất tại các khu vực miền núi, ngập úng cục bộ tại các vùng đồng bằng...
Tại tỉnh Quảng Ngãi, để ứng phó với kịch bản lũ chồng bão, nhiều địa phương đã xả nước tại các hồ đập, di dời người dân ở những vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở. Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết UBND tỉnh vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu các hồ thủy điện trên địa bàn khẩn cấp vận hành điều tiết các hồ chứa nước để đón, giảm lũ cho hạ du do ảnh hưởng của bão số 4.
Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Công ty CP Thủy điện Đakđrinh tổ chức vận hành điều tiết tăng lưu lượng xả, nhằm hạ dần mực nước hồ Đakđrinh về mực nước đón lũ. Việc vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa. Riêng hồ chứa nước Nước Trong, là hồ thủy điện lớn nhất Quảng Ngãi, hiện mực nước chứa vẫn chưa đạt cao trình cho phép. Tuy nhiên, đơn vị quản lý, vận hành cho biết sẽ xả nước điều tiết để ứng phó bão số 4.
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Bình Định có khoảng 13 khu vực nguy cơ cao sạt lở đất tại các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Phù Cát và TP Quy Nhơn. Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết theo kế hoạch, tỉnh sẽ sơ tán gần 19.000 hộ với khoảng 65.500 người khi bão đổ bộ; trong đó, ưu tiên người dân sống ven biển, khu vực nguy cơ ảnh hưởng cao. Bên cạnh đó, địa phương còn có kế hoạch sơ tán người dân vùng ven biển do nước biển dâng là 7.255 hộ với gần 25.700 người; sơ tán 827 hộ với 3.274 người do có nguy cơ sạt lở đất.
Theo dự báo của ĐKTTV tỉnh Bình Định, đến ngày 28-9, địa phương có mưa to đến rất to và giông; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Dự báo đến ngày 30-9, trên các sông trong tỉnh xuất hiện một đợt lũ, mực nước đỉnh lũ có khả năng ở mức trên dưới báo động 2. Các sông phía Bắc tỉnh Bình Định có khả năng ở mức báo động 2- 3 và trên báo động 3.
Tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, một trận lốc xoáy đã xảy ra vào 15 giờ ngày 27-9 khiến 4 người bị thương, khoảng 200 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng, đổ sập. Riêng tại chợ Cửa Việt, gần 150 ki-ốt, hàng quán của tiểu thương bị tốc mái, xiêu vẹo.
Họp xuyên đêm để ứng phó
Tối 27-9, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm Trưởng ban đã họp trực tuyến chỉ đạo công tác ứng phó bão. Cuộc họp diễn ra tại 3 điểm cầu Đà Nẵng, Quảng Trị và Quảng Nam.
Phó Thủ tướng nêu nhiều vấn đề quan trọng cần tập trung giải quyết trước khi bão đổ bộ để bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đến mức tối đa về tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp. Trước tiên, bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân về sức khỏe, tính mạng. Xác định, bảo vệ các công trình trọng điểm, quan trọng ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội như hồ đập, cơ quan, trụ sở, bệnh viện, trường học... Cần bảo đảm lực lượng, lương thực - thực phẩm và sẵn sàng ứng cứu người dân gặp nạn trong trường hợp các địa phương bị cô lập, chia cắt sau bão.
Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương cần có phương án xử lý kịp thời các sự cố bất ngờ, gây thiệt hại nặng. Phó Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức họp xuyên đêm để trực tiếp ứng phó, chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn do bão gây ra.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...