“Chưa bao giờ thấy bệnh nhân ung thư nhiều như bây giờ”

Dành cả cuộc đời để điều trị cho bệnh nhân ung thư, BSCKII Trần Thị Hợp - nguyên giảng viên bộ môn ung thư, Đại học Y Hà Nội; nguyên Phó chủ nhiệm khoa Ngoại A, Bệnh viện K Trung ương cảm nhận số bệnh nhân ung thư ngày càng gia tăng “chóng mặt”.

Đặc biệt, điều khiến bác sĩ Hợp cảm thấy lo ngại là độ tuổi mắc căn bệnh được coi là “tử thần” này ngày càng trẻ hóa. 

BSCKII Trần Thị Hợp - nguyên giảng viên bộ môn ung thư, Đại học Y Hà Nội; nguyên Phó chủ nhiệm khoa Ngoại A, Bệnh viện K Trung ương. Ảnh: Thu Trang.

Trong đó, bác sĩ Hợp đã từng gặp một trường hợp thiếu niên 13 tuổi mắc ung thư tuyến giáp, một căn bệnh ung thư vốn hay gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 40 – 60.

Theo bác sĩ Hợp, ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu hầu như không có biểu hiện gì, tiến triển âm thầm. Bệnh nhân vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường nên rất khó phát hiện. Bệnh chỉ có thể được phát hiện tình cờ qua siêu âm, khám định kỳ.

Trong giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân có thể nhìn hoặc sờ thấy một cục (hạt giáp) nổi trước cổ. Trễ hơn nữa, khi ung thư đã di căn xa, thì người bệnh có thể thấy vướng khi nuốt, khó thở hoặc thay đổi giọng nói. Lúc này, việc điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn, mất nhiều thời gian và tiền bạc hơn.

Phát hiện sớm, điều trị nhàn

Tuy nhiên, bác sĩ Hợp cũng khẳng định trong các loại ung thư, ung thư tuyến giáp có độ lành tính hơn cả nên bệnh nhân ung thư tuyến giáp có tiên lượng tốt nhất. Đối với bệnh nhân ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi bệnh có thể lên đến trên 90%.

Phòng chống ung thư bằng cách lắng nghe cơ thể và khám tầm soát định kỳ. Ảnh minh họa.

“Phát hiện bệnh ung thư bằng nhiều phương pháp. Một là lắng nghe cơ thể mình. Hai là hãy đi khám khi cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi. Thứ ba là có ý thức tầm soát ung thư định kỳ và tập thể dục hàng ngày.

 “Với chúng ta, điều đầu tiên cần làm là phải lắng nghe cơ thể mình và đi khám sức khỏe định kỳ. Đó là yếu tố vô cùng quan trọng”, bác sĩ Hợp khuyến nghị.

Bên cạnh đó, bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích. Bởi, đây cũng là yếu tố hàng đầu khiến bệnh ung thư dễ “ghé thăm” mỗi người.

Theo BS Hợp, ung thư vòm họng cũng là một loại bệnh ung thư cần được cảnh báo mạnh mẽ tại Việt Nam. Đây là một trong những loại ung thư có đặc tính vùng miền khá rõ ràng. Tại Việt Nam, bệnh có tỷ lệ mắc cao ở người miền Bắc hơn người miền Nam.

Các nghiên cứu đã chỉ ra trong cùng một gia đình có nhiều người bị mắc ung thư vòm họng có liên quan tới yếu tố gen.

Tỷ lệ tăng cao kháng nguyên HLA-A2 ở vị trí thứ nhất và sự thiếu hụt ở vị trí thứ hai của kháng nguyên HLA-Bw46 có thể tạo điều kiện thuận lợi phát triển thành ung thư.

Bác sĩ Hợp khuyến cáo để phòng nguy cơ mắc ung thư vòm họng, người dân nên hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích.

Trong ăn uống hạn chế ăn các loại thực phẩm khô như cá khô, các loại thực phẩm lên men như dưa cà muối, thực phẩm ăn nhanh, nhiều chất bảo quản như xúc xích, thịt hun khói, thức ăn chiên rán nhiều lần.