Khối u buồng trứng to 20cm x 20cm của bé gái 13 tuổi được Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) phẫu thuật thành công. Ảnh: TL

Không quá nhiều nhưng không hiếm

Trong tháng 3 vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u buồng trứng to 20cm x 20cm cho một trường hợp bé gái 13 tuổi. BS Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh nhi P.T.T (13 tuổi, ở Bình Dương) được người nhà đưa đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng bụng đau, sờ tay thấy một khối lạ ở bụng dưới. Kết quả siêu âm cho thấy em mang khối u nang buồng trứng bên phải, kích thước rất to như quả bóng (khoảng 20cm x 20cm), xoắn 2 vòng theo chiều kim đồng hồ. “Quan trọng là tai vòi và buồng trứng đã hoại tử”, BS Hữu Tùng nói.

Bệnh nhi T cho biết, đầu năm 2018, em đã bắt đầu sờ thấy một khối lạ ở bụng dưới. Khối lạ này không cản trở sinh hoạt và chỉ đôi khi em thấy có đau bụng rất ít và tự hết. Bệnh nhi T cũng đã có kinh nguyệt, đều đặn, từ khi xuất hiện khối lạ, chu kỳ của em không bị ảnh hưởng nên em không nói với ba mẹ, không đi khám bệnh.

Khi T nhập viện, ngay lập tức em được nhập Phòng Cấp cứu, Khoa Ngoại tổng hợp để làm các xét nghiệm cần thiết và phẫu thuật cắt toàn bộ u trong buồng trứng phải và tai vòi hoại tử. BS Hồ Phi Duy - Khoa Ngoại Tổng hợp cho biết, điều rất may mắn buồng trứng bên trái của bệnh nhi có kích thước bình thường và không có u, nang.

Cũng trong tháng 3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) cũng cấp cứu thành công trường hợp bé gái 12 tuổi bị u nang lớn. Bé gái này được đưa vào viện trong tình trạng bụng đau dữ dội. Kết quả siêu âm, chụp phim CT scanner ổ bụng phát hiện một khối u nang lớn cạnh tai vòi trứng phải với kích thước 11cm x 10cm xoắn có nguy cơ hoại tử. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật cấp cứu gỡ xoắn, mổ bóc tách u và bảo tồn vòi buồng trứng cho bé.

Đây chưa phải là các ca bệnh nhỏ tuổi nhất bị u nang buồng trứng. Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi Trung ương đã từng phẫu thuật nội soi cho bé gái 11 tuổi ở Hà Nội, được người nhà đưa vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng nôn, kèm theo đau bụng từng cơn. Qua thăm khám và siêu âm ổ bụng, các bác sĩ phát hiện trẻ có khối u buồng trứng bên trái, có khả năng bị xoắn, phải tiến hành mổ cấp cứu. Phẫu thuật nội soi xác nhận cháu bé bị u nang buồng trứng trái, xoắn một vòng. Các bác sĩ đã cắt bỏ khối u, bảo tồn buồng trứng, đồng thời cố định buồng trứng bên phải cho cháu.

Dấu hiệu nào để đưa con đi khám?

TS Phạm Duy Hiền, Trưởng khoa Ngoại (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: U buồng trứng là loại bệnh thường gặp ở nữ giới, đặc biệt là người trưởng thành. Bệnh tuy ít gặp ở các bé gái nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào.

U buồng trứng thường không có dấu hiệu điển hình, diễn biến bệnh rất âm thầm. Hầu hết các bé gái được phát hiện bệnh khi nhập viện do đau bụng đột ngột, kèm theo nôn ói và có khối u ở vùng hạ vị (dưới rốn). U buồng trứng nếu không được phát hiện kịp thời rất dễ gây biến chứng như: Xoắn cuống khối u, vỡ u, chèn ép các cơ quan xung quanh, biến thành u ác tính. Xoắn cuống khối u thường gây đau bụng dữ dội, trong khi vỡ u gây đau bụng kèm dấu hiệu chảy máu bên trong.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhi nào cũng được phát hiện sớm để không gánh hậu quả xấu. Điển hình như cháu Đào Minh Anh (12 tuổi, ở Hải Phòng) bị khối u buồng trứng nặng tới 3kg nhưng mới được phát hiện và mổ bóc tách khi cháu tới khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Do khối u được phát hiện muộn và đã phát triển quá lớn nên các bác sĩ buộc phải cắt bỏ hoàn toàn một bên buồng trứng của bệnh nhi. Trước đó 2 tháng, gia đình có nhận thấy bụng của con mình to hơn bình thường, nhưng vì cháu không có biểu hiện bất thường nào khác nên cha mẹ chần chừ không đưa trẻ đi khám ngay.

Các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ nên dặn dò con trẻ hãy báo với người lớn nếu thấy bất kỳ bất thường gì về cơ thể của mình. Nhất là lúc các em còn nhỏ và chưa hiểu biết về bệnh tật. Trẻ đau bụng đột ngột và dữ dội là một dấu hiệu làm nghi ngờ xoắn rất cao. Lúc này cần đưa trẻ vào bệnh viện càng sớm càng tốt để trẻ được chẩn đoán và được can thiệp phẫu thuật nhằm bảo tồn buồng trứng tránh bị hoại tử. Tốt nhất là dưới 6 giờ, vì trên nguyên tắc xoắn bất kỳ các tạng nào trên 6 giờ đều có nguy cơ hoại tử cao hơn.

Ngoài ra, trẻ đau bụng không phải do xoắn u nang buồng trứng cũng nên được đi khám ngay để các bác sĩ loại trừ các nguyên nhân ngoại khoa khác và để trẻ được điều trị thích hợp tránh những biến chứng đáng tiếc.

Theo TS Phạm Duy Hiền, phương thức điều trị u buồng trứng phụ thuộc tuổi của bệnh nhi, tính chất lành hay ác tính của khối u và giai đoạn tiến triển của bệnh. Phẫu thuật nội soi mang lại tỷ lệ thành công lớn, đặc biệt là ở trẻ gái và nữ vị thành niên. Trong hơn 90% trường hợp, các bác sĩ có thể bảo tồn được một phần buồng trứng của bệnh nhân. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ buồng trứng được chỉ định khi có khối u ác tính hoặc buồng trứng bị xoắn nhiều.