Báo động tình trạng nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ khiến bệnh nhi hỏng mắt
Ân hận vì dùng sữa mẹ nhỏ mắt chữa bệnh cho con
Mới đây nhất, Khoa Mắt trẻ em tiếp nhận bé N.K (7 tháng tuổi, ở Sốp Cộp, Sơn La) trong tình trạng suy dinh dưỡng độ 1, ăn uống kém, mắt bên trái bị viêm loét hoại tử toàn bộ giác mạc, thủy tinh và mống mắt cũng không thể giữ lại vì có thể viêm nhiễm, lan sang mắt bên kia.
Mẹ bé K cho biết, khi thấy con mình có triệu chứng sưng đỏ bên mắt trái, chị đã nhỏ sữa vào mắt của bé K. Theo chị, ở quê rất nhiều người làm như vậy. Sau khi nhỏ sữa, bé K chỉ khóc ngày đầu, mấy ngày sau bé không quấy khóc nữa nên mẹ bé tin cách làm của mình là “hiệu nghiệm”. Cứ như vậy, trong một tuần liên tục ngày nào chị cũng nhỏ sữa vào mắt con.
Tuy nhiên, tình trạng của bé K không những không đỡ mà càng ngày càng nặng. Một tuần sau, khi thấy con không thể mở mắt ra được nữa, gia đình bé cuống cuồng đưa con đi khám ở bệnh viện huyện Sốp Cộp. Lúc này, mắt bé đã bị nhiễm khuẩn nặng. Lập tức, các bác sĩ gửi bé chuyển tuyến lên Bệnh viện Mắt Trung ương điều trị. Do mắt trái bé K đã hoại tử gần hết, không thể điều trị hay ghép giác mạc, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ hoàn toàn và lắp mắt giả.
Đây không phải lần đầu các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận và điều trị các ca tương tự. Mỗi năm, tại đây tiếp nhận 4-5 bệnh nhi bị tổn thương mắt rất nặng do nhỏ sữa mẹ. Cách đây không lâu, Viện Mắt tiếp nhận bệnh nhi Đ.P.T (16 ngày tuổi, ở Phù Yên, Sơn La). Khi mới được 3 ngày tuổi, vì thấy bé T có gỉ trong mắt, mẹ bé T đã nhờ bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Phù Yên khám, được kê 2 lọ nước muối sinh lý và 1 lọ thuốc điều trị đau mắt cho bé T. Tuy nhiên, vì sốt ruột con không đỡ nên mẹ bé T đã nghe lời mách của những người xung quanh, nhỏ 3-4 giọt sữa mẹ vào mắt con mỗi ngày nhằm giúp con khỏi đau mắt. Được hai ngày, mắt bé T sưng to, chảy mủ trong mắt. Thấy tình trạng con nặng, chị đưa con xuống Trạm Y tế xã, rồi chuyển lên Trung tâm Y tế huyện Phù Yên. Tuy nhiên, 2 ngày tiếp theo, bên trong mắt bé T đã nổi bong bóng, nguy cơ hỏng mắt rất cao nên chuyển Bệnh viện Mắt Trung ương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán, bé có nguy cơ bị loét thủng giác mạc hai mắt.
Viêm nhiễm nặng vì nhỏ sữa mẹ
Các bác sĩ chuyên ngành Nhãn khoa trẻ em cho biết, nguyên nhân dẫn tới tình trạng loét thủng giác mạc của bệnh nhi T hay bé K là do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nặng. Trong khi gia đình không tuân thủ theo phương pháp điều trị của bác sĩ, thiếu hiểu biết, nhỏ sữa mẹ vào mắt cho con. Theo các bác sĩ, mọi người vẫn cho rằng, sữa mẹ có kháng thể, với nhiều chất đạm, chất dinh dưỡng, có thể chữa được rất nhiều bệnh trong đó có đau mắt. Trong khi đó, thực tế thì sữa mẹ khi nhỏ vào mắt trẻ, sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh, góp phần gây ra bội nhiễm, làm tổn thương mắt nặng, làm tình trạng bệnh diễn biến nặng rất nhanh. Nhỏ sữa vào mắt trẻ dễ gây ra một số bệnh lý về mắt viêm kết mạc, thủy giác mạc, hỏng mắt.
Từ các trường hợp trên, các bác sĩ Khoa Mắt trẻ em khuyến cáo, đỏ mắt chỉ là 1 hiện tượng của nhiều bệnh lý khác nhau. Vì vậy, với trẻ nhỏ, khi thấy có hiện tượng đỏ mắt, chảy nước mắt, có ghèn… thì cần nhỏ nước muối sinh lý (loại đã tiệt trùng), dùng khăn sạch vệ sinh, tuyệt đối không để tay bẩn, khăn bẩn chạm vào mắt. Đặc biệt, cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ mắt, hay dùng các loại phương pháp dân gian, các loại thuốc lá nhỏ vào mắt trẻ, vì nếu dùng không đúng loại, không đúng liều lượng sẽ gây ra các biến chứng khó lường.
Các bác sĩ cho biết, trẻ mắt đỏ, sưng nề, ra nhiều gỉ mắt… là một số biểu hiện của bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp), là một bệnh lý khá phổ biến về mắt. Thời tiết, không gian sống ẩm thấp sẽ tạo điều kiện phát triển bệnh viêm kết mạc, nhất là với trẻ sơ sinh vì hệ miễn dịch trẻ còn yếu. Vi khuẩn (Staphylococus, Hemophilus Influenza...) hoặc virus (Adeno virus) chiếm 80% nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc. Bệnh thường dễ lây lan, nhất là trong sinh hoạt hàng ngày, sự dụng chung dụng cụ vệ sinh như khăn mặt, gối… Bệnh lây do chất tiết mắt của người bệnh tiếp xúc trực tiếp với người bình thường.
Khi bị bệnh, ngoài những biểu hiện trên, trẻ thường có kèm theo chứng sợ ánh sáng, thường xuyên chảy nước mắt khiến bé hay quấy khóc. Mặc dù bệnh viêm kết mạc thường không gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên tỷ lệ biến chứng của bệnh khoảng 20%. Hậu quả của việc biến chứng thường để lại sẹo giác mạc, khiến thị lực trẻ bị suy giảm.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.