Đất ở đâu đắt, rẻ nhất?

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây ký ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024. 

Theo quy định, giai đoạn từ 2020-2024, bảng giá các loại đất của Hà Nội tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014-2019, chỉ riêng mức giá đất nông nghiệp được giữ nguyên. Cụ thể, đối với đất ở tại các quận điều chỉnh tăng bình quân 16% đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều; tăng bình quân 12% đối với các tuyến đường 1 chiều; các tuyến đường còn lại bình quân tăng 15%. Đất thương mại, dịch vụ tại các quận được điều chỉnh bằng 62 - 65% giá đất ở sau khi điều chỉnh. Trong đó, đối với 4 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) điều chỉnh bằng 65%, các quận còn lại điều chỉnh bằng 62%.

Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ ở các quận cũng tăng bình quân 16% đối với các tuyến đường trục chính 2 chiều; tăng 12% đối với các tuyến đường 1 chiều; tăng 15% với các tuyến đường còn lại.

Theo bảng giá đất mới được áp dụng từ ngày 1/1/2020, địa bàn quận Hoàn Kiếm có giá đất cao nhất là gần 188 triệu đồng/m2.

Tại các huyện và thị xã Sơn Tây, bảng giá đất ở tăng bình quân 15% đối với các tuyến đường quốc lộ, tuyến đường thuộc địa phận thị trấn; tăng bình quân 12% đối với các tuyến đường tỉnh lộ, đường trục chính thuộc địa phận các xã; điều chỉnh tăng bình quân 10% đối với các tuyến đường còn lại và đường trong khu dân cư nông thôn. Đối với đất thương mại, dịch vụ ở các huyện và thị xã điều chỉnh tăng bình quân 10 - 15%; bảng giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ thì giữ nguyên…

Theo bảng giá đất mới thì giá đất đô thị trong nội thành tối đa thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, trên các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ, có giá gần 188 triệu đồng/m2; giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông hơn 4,5 triệu đồng/m2.
 
Tại thị xã Sơn Tây, giá đất ở đô thị tại các phường tối đa hơn 19 triệu đồng/m2 và thấp nhất hơn 1,4 triệu đồng/m2. Giá đất ở tại thị trấn thuộc các huyện tối đa hơn 25 triệu đồng/m2, giá tối thiểu là 1,4 triệu đồng/m2...

Giá đất nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội ở các xã giáp ranh quận cao nhất 32 triệu đồng/m2 và tối thiểu hơn 2,2 triệu đồng/m2. Giá đất ở ven trục đường giao thông chính tối đa hơn 17 triệu đồng/m2 và tối thiểu là 670 nghìn đồng/m2. Khu dân cư nông thôn còn lại có giá tối đa là 3,2 triệu đồng/m2, tối thiểu là 495 nghìn đồng/m2.

Điều chỉnh bảng giá đất tác động gián tiếp đến bất động sản

UBND TP Hà Nội cho biết, giá các loại đất quy định tại Quyết định này được sử dụng làm căn cứ trong các trường hợp: Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; Tính thuế sử dụng đất; Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất; Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai…

Việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ tác động gián tiếp đến thị trường bất động sản, công tác giải phóng mặt bằng...

Giá các loại đất quy định tại Quyết định này được sử dụng làm cơ sở xác định giá đất trong các trường hợp: Tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; phần diện tích vượt hạn mức công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân mà diện tích tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của thửa đất hoặc khu đất có giá trị (xác định trong bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng…

Cũng theo UBND TP Hà Nội, việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ tác động trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cục Thuế thành phố dự kiến, trong giai đoạn 2020-2024, bảng giá đất điều chỉnh sẽ tăng thu cho ngân sách hơn 3.810 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này cũng sẽ làm tăng chi phí đối với người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Cùng với đó, việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ tác động gián tiếp đến thị trường bất động sản, công tác giải phóng mặt bằng. Mặt khác, các chủ đầu tư sẽ tranh thủ tăng giá bán bất động sản tại dự án, còn các hộ dân nằm trong phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trông chờ vào việc tăng giá bồi thường.