Khi “chú chim” quá bé nhỏ

Ở trẻ sơ sinh, có đầy đủ hai tinh hoàn khi kéo nhẹ dương vật và đo từ gốc đến ngọn, loại trừ đám mô mỡ vùng mu để có chiều dài tính từ gốc, nếu dương vật dưới 1,9cm thì coi là dương vật bé.

Hiện tượng này có thể hiểu là: Bé trai đã mang đầy đủ nhiễm sắc thể giới tính nhưng có bất thường trong tiến trình biệt hoá giới diễn ra trong 6-7 tuần lễ đầu của thời kỳ thai nhi, vì vậy có thể sinh ra với dương vật bé hay thậm chí có cơ quan sinh dục ngoài không rõ ràng.

Mặt khác, có nguyên nhân từ khi còn là bào thai làm cho dương vật không phát triển: Lượng hormon androgen gây ảnh hưởng ở 2 thời điểm phát triển của thai để đảm bảo sự tạo thành một dương vật bình thường (Ở giai đoạn sớm của đời sống thai nhi để nam tính hoá các mầm mống bào thai, chuẩn bị chuyển thành dương vật và bìu.

Ở giai đoạn muộn hơn của đời sống thai nhi để làm cho dương vật to ra.) Dương vật nhỏ hay xảy ra ở người có cặp nhiễm sắc thể giới XY tức là con trai về mặt gene học, có 2 tinh hoàn, có bài tiết androgen ở giai đoạn sớm của đời sống thai nhi nhưng về sau lại bài tiết ít nên dương vật không phát triển được về kích thước.

Khám bộ phận sinh dục cho bé trai 3 tuổi tại một trường mầm non thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh : Q. Anh

Ngoài ra, hiện tượng dương vật của bé nhỏ và quá ngắn còn có thể gặp trong các tình trạng sau:

Dương vật bị kẹt, dính: Một phần dương vật bị kẹt hoặc dính trong đám mô mỡ ở vùng mu. Tình trạng này dễ làm cho trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu do bị ứ đọng nước tiểu.

Dương vật tụt: Tuy dương vật có kích thước bình thường nhưng bị che lấp bởi đám mô mỡ ở vùng mu. Tình trạng này còn được gọi là dương vật bị vùi hay bị giấu. Một số trẻ từ khi mới sinh ra đã “tụt” và số khác bị sau khi cắt bao quy đầu, hay gặp ở trẻ trai tuổi chập chững, đôi khi ở cả vị thành niên béo phì.

Dương vật có vạt da hai bên thân: Kích thước bình thường nhưng mảnh da hai bên bìu phát triển và dính vào thân dương vật. Tình trạng này có thể bẩm sinh hoặc do cắt chít bao quy đầu quá rộng gây dính da bìu vào da dương vật. Dương vật có vạt da thường không gây ra vấn đề gì và có thể khắc phục bằng ngoại khoa.

Một điều mà cha mẹ cần lưu ý là ở một trẻ trai bình thường, phát triển chiều cao và cân nặng phù hợp lứa tuổi, nhưng do lượng nội tiết tố nam trong cơ thể vẫn “đang ngủ yên” cho đến lứa tuổi dậy thì mới trỗi dậy sản sinh mạnh mẽ nên dù trẻ có hình thể lớn hơn những năm đầu đời nhưng cơ quan sinh dục vẫn chưa phát triển tương ứng hình thể.

Tuy nhiên, khi gặp tình trạng trẻ có dương vật quá nhỏ và ngắn, phụ huynh cần đưa trẻ tới khám chuyên khoa để có giải pháp xử trí kịp thời.

Những dấu hiệu bất thường ở cơ quan sinh dục ngoài của bé gái

“Dính môi” bộ phận sinh dục

Bộ phận sinh dục của nữ gồm hai “môi bé” và hai “môi lớn”, nằm phía trước âm đạo. Nếu môi bình thường thì chúng sẽ tách nhau ra, thuận lợi cho bé gái đi tiểu. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ bị dính “môi” sẽ có các tình huống sau:

Trẻ “dính môi” nhưng vẫn hở một khe nhỏ để đi tiểu: Với bệnh lý này, bé vẫn đi tiểu được bình thường và ít có dấu hiệu nhận biết rõ ràng. Một số khác có thể bị nhiễm trùng vùng tiểu do cấu tạo “vùng tam giác” của bé gái phức tạp + dính môi, bé sẽ quấy khóc, đau rát khi đi tiểu, đau bụng... Khi đó, cần đưa bé đi khám và phẫu thuật gấp.

Ảnh minh họa: Internet

Trẻ “dính môi” hoàn toàn, không có khe hở: bé không thể đi tiểu được, bàng quang căng tức, khó chịu, đau buốt, quấy khóc và có thể sốt. Bé cần được phẫu thuật ngay lập tức vì đây là tình trạng dính môi nặng.

Lưu ý, không tự ý dùng tay tách môi bộ phận sinh dục của trẻ và bôi các loại kem vì có thể dẫn tới viêm nhiễm âm hộ.

Âm vật phì đại như dương vật

Những trường hợp này tương đối phức tạp và liên quan đến việc xác định giới tính của trẻ.

Đây có thể là triệu chứng của một số bệnh như: lưỡng giới giả nam (bộ nhiễm sắc thể giới tính là nam nhưng cơ thể lại phát triển theo hướng nữ), bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh ở trẻ gái (bộ nhiễm sắc thể giới tính là nữ nhưng do tuyến thượng thận tiết ra quá nhiều hormon nam nên cơ thể dần thay đổi như nam), trẻ bị u buồng trứng…

Trong những trường hợp này, việc điều trị còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và có thể phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau. Cha mẹ nên cho con đi khám chuyên khoa sớm để được điều trị kịp thời.