Y học cổ truyền cho rằng: Gan chủ gân, thận chủ xương, tỳ chủ sinh huyết, nghĩa là  gan chủ nuôi dưỡng gân cơ, thận chủ nuôi dưỡng xương cốt, tỳ chủ hấp thu dinh dưỡng, tạo huyết. Khi chức năng nội tạng suy yếu, phong  tà xâm nhiễm, kinh lạc ứ trệ đều có thể đau cơ khớp và viêm khớp dạng thấp. Chữa trị viêm khớp dạng thấp chủ yếu là bổ khí huyết khu phong trừ thấp. Sau đây là 3 bài thuốc cổ phương tiêu biểu phòng trị bệnh theo từng thể:

Thể phong hàn thấp: Biểu hiện đau cứng khớp, đau tăng vào buổi sáng, thời tiết lạnh ẩm, xoa dầu chườm ấm thấy dễ chịu. Dùng bài Quyên tý thang gia vị gồm: đương quy 14g, xích thược 14g, xuyên khung 14g,  hoàng kỳ 14g, phòng phong 10g, khương hoàng 12g, quế chi 12g, khương hoạt 10g, trần bì 12g, cam thảo 6g, đại táo 3quả.

Viêm khớp dạng thấp nguyên nhân phần nhiều do chức năng gan tỳ thận bị suy yếu, do nhiễm phong, hàn, thấp.

Thể phong thấp nhiệt: Biểu hiện khớp sưng nóng đỏ đau. Dùng bài Cửu vị khương hoạt thang gia vị gồm: sinh địa 20g, xuyên khung 14g, đương quy 14g, bạch chỉ 14g, thương truật 12g, khương hoạt 8g, phòng phong 10g, tế tân 6g, thông bạch 12g, hoàng cầm 10g, sinh khương 12g, cam thảo 6g. Bài này thích hợp với người viêm khớp dạng thấp có sưng nóng đỏ đau, kèm ngoại tà xâm nhiễm đau cấp hoặc tái phát.

Thể phong thấp tý: Biểu hiện đau sưng, đau cố định một chỗ, đau nhiều phần dưới cơ thể, người nặng nề. Dùng bài Độc hoạt ký sinh gia vị gồm: sinh địa 20g, đương quy 14g, xuyên khung 14g, xích thược 14g, nhân sâm 12g, phục linh 14g, độc hoạt 8g, tế tân 6g, tần giao 10g, phòng phong 8g, quế chi 14g, cam  thảo 6g, đại táo 3 quả. Bài này thích hợp viêm khớp dạng thấp thể phong thấp tý, bệnh lâu chức năng can thận suy tổn, thường đau phần dưới cơ thể, người nặng nề.

 Ngoài ra còn có thể khí huyết đều hư đờm ngưng kết tụ biến dạng khớp.

Các món ăn hỗ trợ điều trị:

Ngoài dùng thuốc, người bệnh nên ăn thực phẩm giàu vitamin C, D, E, A, Ca, PP có trong rau, củ, quả như trái bơ, đu đủ, cà rốt, bí đỏ, kinh giới, tía tô, lá lốt, ngò rí, cải xoong, cần tây, thì là, húng quế, hoa lý, gừng, hành, hẹ, tiêu, tỏi, nghệ...; ăn sụn, móng, gân, xương động vật, lươn, trạch, cá rô, tôm, cua, cá nhỏ...; ngũ cốc gạo lứt, ngô khoai tươi mới...

Nếu viêm khớp dạng thấp thiên về thể “phong hàn”: Nên tăng cường ăn nhóm thực phẩm có tính bổ, ấm như thịt dê, thịt chó, thịt heo, chim, gà, bò; tốt nhất ăn sụn, móng, cật, đuôi...; các món từ rau, củ, quả hoặc thịt, cá nên cho thêm gia vị cay ấm như: gừng, hành, tiêu, ớt, sả... có tính khử phong hàn. Kiêng thức ăn lạnh như cam, măng, cà, nước dừa...; các vị chua, đắng quá.

Nếu viêm khớp dạng thấp thiên về phong nhiệt: Thường biểu hiện khớp có sưng, nóng, đỏ, đau. Nên tăng cường ăn rau, củ, quả vị bổ mát trừ thấp, tốt nhất nên ăn các loại rau thơm như: kinh giới, tía tô, rau húng quế, rau mùi, thì là... Kiêng các loại thức ăn cay nóng, dễ gây dị ứng động phong như: thịt bò, thịt gà, tôm, cua.