Nhiệt độ cao - khắc tinh của vi rút nCoV

Chiều tối và đêm 30 Tết, Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc đồng loạt xuất hiện mưa to gió lớn. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên trước trận mưa rào bất thường rơi đúng vào đêm 30 Tết – thời khắc được mọi người hồi hộp mong mỏi nhất trong năm.

Nhiều người đang lo ngại thời tiết mưa ẩm như vậy sẽ là điều kiện để vi rút nCoV phát triển và bùng phát dịch bệnh viêm phổi cấp. Tuy nhiên, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn lại dự đoán trận mưa rào này chính là dấu hiệu dự báo vi rút nCoV sẽ không có điều kiện để phát triển sau Tết Nguyên đán như mọi người đang lo lắng.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, suốt 2 tuần qua, mưa xuân rả rích.

Điều này đáng lẽ phải xuất hiện sau Tết 2-3 tuần, nhưng lại xảy ra trong Tết. Vậy nên tiết xuân năm nay kết thúc sớm và đồng nghĩa ra Tết miền Bắc sẽ nắng nóng như mùa hè. Các tỉnh miền Trung muộn hơn vài ngày. Mùa hè sẽ đến sớm hơn. Nhiệt độ cao của mùa hè sẽ khiến vi rút khó sinh sôi phát triển”, bác sĩ Trần Văn Phúc phân tích.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. 

Theo bác sĩ Phúc, vi rút Corona có đặc điểm phát triển mạnh mẽ trong môi trường nhiệt độ thấp, lí tưởng là dưới 20 độ C, môi trường giống như phòng điều hòa máy lạnh.

Ngược lại, nhiệt độ cao làm cho vi rút yếu đi rất rất nhiều.. Thậm chí nhiệt độ trên 39 độ C của mùa hè sẽ khiến vi rút nCoV nằm im không hoạt động rồi tự chết.

Với những lí do như vậy, bác sĩ Phúc dự đoán rằng dịch viêm phổi Vũ Hán do vi rút nCoV-2019 không thể bùng phát ở Việt Nam. Các tỉnh như An Giang, Nha Trang, Sài Gòn càng yên tâm vì thời tiết nắng nóng không thể khiến vi rút nCoV phát triển ở nơi đây.

Thực tế cho thấy dịch SARS-CoV 2003 đã không xảy ra ở các tỉnh phía Nam là vì lý do này. Các nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng khả năng tồn tại của vi rút SARS-CoV rất kém, số lượng vi rút suy giảm rất nhanh.

Đừng hoảng sợ nhưng chớ chủ quan!

“Tuy vậy, chúng ta không nên hoảng sợ nhưng cũng không được phép chủ quan. Khởi đầu của Tết Nguyên Đán bằng việc vi rút nCoV từ Vũ Hán, Trung Quốc lây lan đến 6 quốc gia gồm Hồng Kông, Đài Loan, Ma Cao, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore. Và hôm qua đã chính thức có mặt ở Việt Nam là quốc gia thứ 7. Vi rút nCoV gây nên những mối lo ngại chưa từng thấy trong cộng đồng”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.

Các triệu chứng chính của bệnh viêm phổi là sốt, ho khan, khó thở dần, hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng, sốc nhiễm trùng, toan chuyển hóa, rối loạn đông máu. Hiện chưa có thuốc điều trị hiệu quả nCoV-2019. Phương pháp điều trị chính vẫn là liệu pháp điều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng, nâng cao sức đề kháng của hệ miễn dịch.

Vi rút nCoV dưới kính hiển vi. Ảnh minh họa.

Điều khiến bác sĩ Phúc cảm thấy lo ngại nhất hiện nay là vi rút nCoV-2019 có thời gian ủ bệnh dài nên rất khó kiểm soát! Hơn nữa biến thể vi rút ở vị trí Beta, nó giúp cho nCoV-2019 dễ dàng lây nhiễm từ người sang người hơn.

Vi rút nCoV-2019 có thể truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần, ho, hắt hơn. Vì thế chúng ta nên có ý thức khi ho hay hắt hơi phải dùng khăn giấy sử dụng một lần bịt miệng, hoặc dùng mặt trong khủy tay áo che kín miệng.

“Cách phòng ngừa hiệu quả là đeo khẩu trang, rửa tay và khử trùng, không ăn thịt động vật hoang dã, chỉ ăn thịt đã chế biến đúng kĩ thuật và nấu chín. Vi rút lây chủ yếu qua giọt nước bọt lớn, rất ít vi rút trong không khí, nên đeo khẩu trang là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Không cần phải sử dụng mặt nạ chống khói N95. Khẩu trang y tế thông thường không phải loại 3 lớp cũng ngăn chặn được vi rút.

Hãy làm như người Nhật, mùa cúm khi phải đến những nơi đông người cần thiết đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cho những người xung quanh; trẻ em đến trường cả lớp đeo khẩu trang; đi xe buýt, xe taxi hay các phương tiện công cộng khác, đặc biệt là những người lái các phương tiện này, đều đeo khẩu trang”, bác sĩ Phúc khuyến cáo.