Bác sĩ Việt cứu sống bệnh nhi bị chẩn đoán, điều trị nhầm ở Campuchia
Ngày 12/11, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Phương Châu, khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết bé trai là Q.N. (2 tuổi, người Campuchia) nhập viện trong tình trạng thở mệt, bứt rứt.
Người nhà chia sẻ trẻ khó thở từ lúc 4 tháng tuổi, đã nhập viện 4 lần vì bị viêm phổi. Đến 4 tháng trước khi nhập viện, trẻ sốt về chiều, ho đàm, thở mệt. Người nhà đưa trẻ đến một bệnh viện ở Campuchia, bác sĩ nghi ngờ lao phổi nên cho uống thuốc điều trị kháng lao trong 6 tháng, trẻ vẫn không đáp ứng. Bác sĩ nơi này tư vấn người nhà đưa trẻ sang Việt Nam, đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để thăm khám.
Năm ngày trước khi nhập viện, trẻ thở mệt tăng dần, đi tiểu ra nước có màu đỏ (biểu hiện đặc trưng của dùng thuốc lao phổi kéo dài), môi tái, SpO2 (nồng độ oxy trong máu) chỉ còn 88%. Bác sĩ chẩn đoán trẻ bị dị tật tim bẩm sinh nặng, bị màng ngăn nhĩ trái và cao áp phổi nặng.
Dị tật tim này khiến tâm nhĩ xuất hiện màng ngăn ở giữa, khiến em bé thở nhanh, có thể bị tưởng nhầm là viêm phổi, phù phổi giống bệnh lao.
Sau khi chẩn đoán được tình trạng của bệnh nhi, bác sĩ chuyên khoa II Ngô Kim Thơi, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch, cho biết ê-kíp đã phẫu thuật cắt bỏ màng ngăn ở tâm nhĩ, sửa chữa hoàn toàn tật tim, giúp em bé có thể trở về cuộc sống bình thường trong tương lai. Hậu phẫu, tình trạng của trẻ dần được cải thiện, tự thở khí trời, dự kiến được xuất viện trong hôm nay hoặc ngày mai.
Bác sĩ Thơi cho hay xử trí trường hợp tim bẩm sinh này không phải là kỹ thuật khó. Tuy nhiên, bệnh nhi Q.N. đã đến viện muộn, tim phải gánh chịu hậu quả nặng nề, giãn nhiều. Do đó, dù gây mê sâu, áp lực động mạch phổi vẫn rất cao. Khi mở lồng ngực ra, quả tim co bóp rất yếu.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trí Hào, Trưởng khoa Tim mạch, màng ngăn ở tâm nhĩ khá hiếm gặp trong các dị tật tim bẩm sinh, có tỷ lệ 1/1.000. Mỗi năm, bệnh viện chỉ tiếp nhận một trường hợp. Lúc nhập viện, bệnh nhi đã quá nặng, cần phải mổ cấp cứu để giữ tính mạng.
Tuy nhiên, lúc sang Việt Nam, người nhà chỉ mang khoảng 3 triệu đồng, đến lúc vào viện chỉ còn hơn một triệu đồng. Vì không đủ tiền, lúc nghe bác sĩ báo mổ, người nhà bệnh nhi đã xin về.
Đứng trước tình cảnh này, Ban giám đốc bệnh viện đã quyết định phẫu thuật trước, tiền tính sau. Các bác sĩ ước tính ca mổ này có chi phí lên đến hơn 100 triệu đồng, gia đình không đủ khả năng chi trả nên bệnh viện đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Qua trường hợp này, bác sĩ Hào khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện trẻ có biểu hiện ho kéo dài, khó thở, sốt... cần đưa đến bệnh viện để can thiệp kịp thời.
Bộ Y tế đề xuất xử phạt hành chính người chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử
Bộ Y tế đề xuất xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Tỉ suất sinh giảm thấp: BHYT chi trả cho điều trị hiếm muộn là cần thiết
Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương ở TP.HCM cho rằng trong bối cảnh tỉ suất sinh giảm rất thấp, BHYT cần xem xét hỗ trợ chi phí điều trị hiếm muộn.
83 ca mắc thủy đậu tại Bến Tre làm việc cùng công ty may mặc
83 ca mắc thủy đậu được phát hiện gần đây đều làm việc cùng phân xưởng của 1 công ty may mặc ở Bến Tre.
Dự báo thời tiết 10 ngày tới: Không khí lạnh cường, Hà Nội rét 12 độ C
Hà Nội trời rét với nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này dao động 12-15 độ C.