Bệnh tim mạch tiến triển âm thầm nhưng nhanh chóng cướp đi sinh mạng của nhiều người. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch là chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa như thức ăn nhanh và thực phẩm đóng hộp.

Để điều trị bệnh tim mạch, nhiều người cho rằng nên ăn nhiều tim động vật. Cùng tham khảo ý kiến của bác sĩ Huỳnh Minh Nhật, Khoa Hồi sức Tim mạch, bệnh viện quận Thủ Đức về vấn đề này.

Bệnh tim mạch tiến triển âm thầm nhưng nhanh chóng cướp đi sinh mạng của nhiều người - Ảnh minh họa: Internet

Dinh dưỡng từ tim - nội tạng động vật

Nội tạng động vật nói chung và tim nói riêng thường được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn cho bữa ăn gia đình cũng như món nhậu cực "hao rượu". Trong đó, tim có hương vị ngon hơn cả và được so sánh với thịt bò hoặc phần thịt ức.

Theo nghiên cứu, tim động vật dồi dào thành phần sắt, kẽm, selen, vitamin nhóm B như B2, B6, axit folic và B12. Đặc biệt, tim giàu chất COQ10 có vai trò quan trọng trong việc sản xuất năng lượng cho cơ thể.

Bên cạnh đó, nhờ dồi dào thành phần sắt và vitamin A, tim rất tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai cũng như lứa tuổi sinh đẻ.

Tuy nhiên, ngoài sắt và một số vitamin kể trên, nguồn dinh dưỡng từ nội tạng cũng như tim động vật tương đối "nghèo". Đặc biệt, chúng chứa nhiều chất béo bão hòa cùng hàm lượng cholesterol "xấu" rất cao.

Lượng cholesterol "xấu" tăng cao gây cản trở lưu thông máu cũng như quá trình cung cấp oxy đến khắp cơ thể dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Một trong những bệnh thường thấy có nguyên nhân do cholesterol "xấu" tăng cao là bệnh lý tim mạch do xơ vữa. Bệnh lý này bao gồm: bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh động mạch chủ.

Tim heo chứa nhiều chất béo bão hòa cùng hàm lượng cholesterol "xấu" rất cao - Ảnh minh họa: Internet

Người bị mắc bệnh tim mạch có nên ăn nhiều tim động vật?

Dân gian có câu: "Ăn gì bổ nấy". Do đó, nhiều người cho rằng bị mắc bệnh tim mạch thì nên ăn nhiều tim động vật để sớm hồi phục sức khỏe. Vậy quan nhiệm này có đúng hay không?

Trao đổi với Báo Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Huỳnh Minh Nhật, Khoa Hồi sức Tim mạch bệnh viện quận Thủ Đức cho biết: "Với những người khỏe mạnh - chưa có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thì có thể ăn tim động vật với lượng bình thường, tốt cho hoạt động của cơ thể chứ không phải bổ tim. Nhưng nếu ăn quá nhiều tim động vật sẽ làm tăng cholesterol "xấu" dẫn đến dễ bị bệnh máu nhiễm mỡ, xơ vữa mạch máu cùng nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Với người đã có nguy cơ mắc bệnh tim mạch như tiểu đường, gout, máu nhiễm mỡ,... thì chỉ nên ăn tim động vật với lượng hạn chế. Vì tim động vật chứa nhiều cholesterol "xấu" không tốt cho sức khỏe người bệnh".

Như vậy, quan niệm "ăn gì bổ nấy" nên mắc bệnh tim mạch thì ăn nhiều tim động vật là hoàn toàn sai lầm. Điều này chẳng những không bổ dưỡng mà còn làm tăng thêm cholesterol xấu khiến tình trạng bệnh thêm nguy hiểm.

Bác sĩ Huỳnh Minh Nhật - Khoa Hồi sức Tim mạch, bệnh viện quận Thủ Đức

Bác sĩ Huỳnh Minh Nhật khuyên mọi người nên thay đổi lối sống lười vận động và dùng quá nhiều thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh.

Đồng thời, hạn chế ăn mỡ động vật, bơ, nước ngọt có ga, đồ khô (khô mực, khô cá,...) để có hệ tim mạch khỏe mạnh. Khi bị bệnh tim mạch, cần hạn chế tối đa mỡ động vật, bơ, phomat, dưa muối,... Thay vào đó, nên ăn nhiều trái cây, rau củ và thực phẩm chứa nhiều chất béo không bão hòa như mỡ cá, dầu thực vật, quả bơ,...