Ngày 8/7, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho hay, bệnh viện này vừa phẫu thuật tạo hình thành công đôi bàn tay cho “cậu bé càng cua” B.H.L. (2 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM).

Mẹ của bé L. kể, khi thai nhi được 3 tháng cuối thai kỳ, qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ phát hiện tay, chân con của chị bị dị dạng như hình càng cua. “Lúc ấy tôi bàng hoàng tưởng chừng không thể chấp nhận được, nhưng lúc bình tâm lại, con nào mà chẳng là con, tôi sẽ cùng con vượt qua khó khăn này”, chị L. nói.

Đôi tay 'càng cua' của bé L.

Năm 2017, dù đã chấp nhận dị hình của con, nhưng chị vẫn đau đớn khi thấy cả hai bàn tay, bàn chân bé không lành lặn. Chị nhớ lại: “Bàn tay 4 ngón của cháu bị chẻ đôi trông như chiếc càng cua khiến con không thể cầm nắm, chơi đùa như các bạn cùng trang lứa.

Sợ con không cầm viết, không đi học được, tôi đưa con đi khám tại nhiều bệnh viện ở Sài Gòn, đến đâu bác sĩ cũng chẩn đoán bé mắc hội chứng càng tôm hùm. Tôi đau lòng khi đi đâu con cũng bị từ chối điều trị”.

Không từ bỏ, chị tiếp tục đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) rồi vỡ òa khi bác sĩ tiếp nhận bé.

Theo bác sĩ Chuyên khoa 1 Nguyễn Dương Phi, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM – bé L. có biệt danh là cậu bé càng cua, bởi từ khi được sinh ra, bé mắc Hội chứng càng tôm hùm – một hội chứng hiếm gặp chiếm tỉ lệ 1/100.000 trẻ sinh sống.

Bác sĩ của bệnh viện tách thành công bàn tay trái cho bé. Sau khi sức khỏe bé ổn định, bác sĩ sẽ tiếp tục mổ bàn tay còn lại.

Hội chứng này khiến bàn tay, bàn chân của bé phát triển không bình thường ngay từ trong bụng mẹ. Khi chào đời, bé chỉ có một khe hở nơi lẽ ra là chỗ của ngón giữa ở bàn tay, chân. Điều này khiến tay, chân bé đều có hình dáng như chiếc càng tôm hùm.

Sau khi xác định bệnh của bé, ê-kíp các bác sĩ chỉnh hình của bệnh viện đã hội chẩn nhằm đưa ra phương pháp phẫu thuật tốt nhất cho bé. Dị dạng của bé L. được đánh giá phân loại dị tật loại 3, dính ngón 1 và 2 phức tạp, không có kẽ ngón. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật để tách ngón, tái tạo bàn tay, chân cho bé L.

Do bé thuận tay trái, các bác sĩ tiến hành sửa chữa bàn tay trái trước. Gần 2 giờ khéo léo cắt nối và tạo hình, bàn tay bé được phục hình 80%, chức năng vận động được bảo tồn gần như bình thường.

Hiện sức khỏe của bé đang bình phục dần sau mổ, tay bé co duỗi, có cảm giác nóng lạnh, bé đi lại tốt, cầm nắm khả quan. Lành vết thương, bé sẽ được tập vật lý trị liệu để cầm viết được.