Bài viết được chia sẻ kiến thức chuyên môn bởi PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

Trẻ bị ho là triệu chứng thường gặp nhất trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính khi thời tiết thay đổi.

Cũng có rất nhiều cha mẹ tự mua thuốc ho trẻ em điều trị cho con tại nhà, đến khi bệnh của con không đỡ hoặc có dấu hiệu nặng hơn mới tá hỏa đưa con đi thăm khám bác sĩ.

Ho là một phản xạ tốt của cơ thể

Các chuyên gia nhi khoa phân tích, ho là một phản xạ tốt của cơ thể, nhằm bảo vệ đường hô hấp.

Khi một tác nhân lạ nào đi vào đường hô hấp, cơ thể sẽ có phản xạ ho bắn ngược nó ra. Bởi vậy, cha mẹ đừng quá lo lắng khi con bị ho.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, ho là triệu chứng thường gặp nhất trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, ho được coi là một cơ chế bảo vệ quan trọng cho đường hô hấp dựa trên quan điểm sinh lý bệnh học.

Khi trẻ ho giúp cơ thể trẻ thực hiện 2 chức năng quan trọng: Một là đẩy dị vật hoặc thức ăn ra ngoài nếu không may rơi vào đường hô hấp, hai là loại bỏ các chất xuất tiết từ đường hô hấp.

PGS Dũng lý giải ho có thể làm bật dị vật hoặc chất xuất tiết ở đường hô hấp ra ngoài là do: Tốc độ luồng khí cao đi ra từ đường hô hấp lớn và một phần lực này truyền cho dị vật hoặc chất xuất tiết; Phổi và đường hô hấp bị đè nén do áp lực dương trong màng phổi cao và các chất xuất tiết dính vào phế quản lớn bị bong ra bởi tốc độ luồng khí cao này.

Trẻ bị ho là triệu chứng thường gặp nhất trong nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính khi thời tiết thay đổi (Ảnh minh họa)

Những lưu ý khi sử dụng thuốc ho trẻ em

Trong một số trường hợp trẻ ho, tuyệt đối không dùng kháng sinh vì càng dùng kháng sinh thì ho càng kéo dài, không thể khỏi được. Lý giải điều này PGS Dũng cho rằng, trong bệnh đường hô hấp chủ yếu các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, trong đó chia hai nhóm bệnh nhiễm trùng hô hấp trên và hô hấp dưới (viêm phổi, viêm tiểu phế quản).

Khi trẻ bị nhiễm trùng hô hấp trên thường không nguy hiểm và ít biến chứng còn hô hấp dưới nguy hiểm có thể gây tử vong cho trẻ.

Trẻ bị viêm đường hô hấp trên thường liên quan đến vi rút hay còn gọi viêm mũi họng cấp do vi rút những bệnh này do vi rút gây ra nên sử dụng kháng sinh không có tác dụng. Các chuyên gia nhi khoa thấy rằng tự nhiên có cháu tự khỏi trong vòng 2 – 3 ngày nhưng có cháu dài đến 2- 3 tuần sau mới khỏi.

Đặc điểm, nhóm bệnh viêm hô hấp trên này ho rất dữ dội. Đặc điểm nước mũi chảy nhiều đôi khi có thể sốt nên triệu chứng đó làm gia đình rất lo nhưng thực tế không nguy hiểm. Với bệnh nhi như này PGS Dũng cho biết không cần chăm sóc gì đặc biệt, chỉ điều trị triệu chứng ho như uống thuốc ho trẻ em - si rô, chảy nước mũi - xịt nước mũi, mỗi lần khỏi trẻ sẽ có kháng thể chống vi rút đó.

PGS Dũng cho biết thêm, nhiều cha mẹ đưa con đến khám có tâm lý lo lắng bởi vì đôi khi trẻ ho kèm theo nôn oẹ ra và đặc biệt là ho về đêm. Sở dĩ có hiện tượng này vì viêm hô hấp trên chảy mũi nhiều, khi trẻ nằm xuống gây hiện tượng nước mũi chảy vào trong họng nên gây ho và theo quy luận càng ho, càng nôn.

Hầu hết các trẻ nhiễm khuẩn hô hấp trên do virus hay ho và cảm lạnh không cần dùng thuốc (Ảnh minh họa)

Xử trí trẻ ho như thế nào?

Hầu hết các trẻ nhiễm khuẩn hô hấp trên do virus hay ho và cảm lạnh không cần dùng thuốc ho, bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày hoặc 1 – 2 tuần.

Ngoài thuốc ho trẻ em, cha mẹ còn cần điều trị hỗ trợ giúp trẻ mau khỏi bệnh. Các biện pháp đó là:

- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn đủ dinh dưỡng

- Cho uống đủ nước

- Giữ ấm cho trẻ nhưng không được để trẻ qua nóng

- Cho trẻ uống paracetamol để điều trị sốt hoặc làm giảm đau họng theo chỉ dẫn của bác sĩ

- Nhỏ mũi bằng dung dịch natricloride 0,9% sau đó làm sạch mũi bằng tăm bông hoặc giấy thấm quấn theo dạng sâu kèn.

Cũng có thể dùng một số thuốc ho trẻ em chế từ nước biển sâu để xịt vào mũi làm sạch mũi cho trẻ. Đối với các trẻ lớn hơn thì dạy trẻ xì mũi và lau sạch mũi.

- Đưa trẻ đến khám lại nếu thấy có 1 trong các dấu hiệu của viêm phổi như: Khó thở hơn, thở nhanh hơn, bú kém hơn, không uống được, thấy trẻ ốm nặng hơn…

- Trong một số trường hợp cần thiết có thể sử dụng thêm thuốc ho chế biến từ thảo dược như hoa hồng hấp đường, chanh hoặc quất hấp mật ong, lá hẹ…