Chăm sóc con ốm là vấn đề nhiều cha mẹ thường cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức, đặc biệt khi cho trẻ uống thuốc. Nhiều bé khi thấy cha mẹ chuẩn bị cho uống thuốc liền khóc thét và nhè hết thuốc ra ngoài. Việc thuyết phục con hợp tác để cha mẹ uống thuốc không bao giờ là điều dễ dàng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM chia sẻ, việc cho trẻ uống thuốc có khi là nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh.

Không phải bé nào cũng hợp tác khi cha mẹ cho uống thuốc - Ảnh minh họa: Internet

Hệ miễn dịch của bé trong những năm đầu đời còn non nớt, bé đi học càng có nguy cơ mắc một số bệnh thông thường. Bé phải uống thuốc là việc cần thiết. Do đó, bác sĩ Khanh khuyên cha mẹ nên tập từ từ cho bé uống thuốc với những cách đơn giản.

Thông qua trò chơi

Bé sẽ quen với việc uống thuốc khi chơi trò bác sĩ - Ảnh minh họa: Internet

Khi trẻ chơi trò chơi bác sĩ, bác sĩ Khanh gợi ý cha mẹ có thể dạy trẻ tập cho búp bê hay thú nhồi bông uống thuốc. Sau đó nhắc con khen gợi các em này ngoan, uống thuốc giỏi. Nhờ đó, bé sẽ dễ dàng tiếp nhận uống uống khi bị bệnh hơn.

Chọn loại thuốc phù hợp

Khi cho bé uống thuốc, cha mẹ nên chú ý chọn loại thuốc dạng dung dịch, vị ngọt. Có thể pha thêm đường vào thuốc để trẻ dễ uống.

Có thể thêm đường vào thuốc để bé dễ uống hơn - Ảnh minh họa: Internet

Cha mẹ có thể sử dụng ống chích nhựa (xi lanh) hoặc ống nhỏ giọt thay vì dùng thìa giúp con uống thuốc thuận tiện hơn, lượng thuốc cũng được đong đúng thể tích hơn. Việc dùng thìa khi cho bé uống thuốc sẽ khó khăn và nguy hiểm đối với con.

Tư thế cho trẻ uống thuốc

Bác sĩ Khanh khuyên các bậc cha mẹ khi cho bé uống thuốc nên giữ con ở tư thế ngồi (có thể ngồi trên đùi cha mẹ), không nên để bé nằm ngửa.

Chọn tư thế thích hợp sẽ giúp bé uống thuốc dễ dàng, tránh nguy cơ bị sặc - Ảnh minh họa: Internet

Nếu trẻ có vẻ hợp tác, hãy dùng một tay mở miệng bé bằng cách đẩy cằm bé xuống, đưa một ngón tay vào, sau đó đưa ống xi lanh nhựa vào giữa răng. Tiếp đến, cha mẹ bơm thuốc nhẹ nhàng vào bên mép, cạnh má hay dưới lưỡi. Lưu ý tuyệt đối không bơm thẳng vào họng để tránh nguy cơ bé bị sặc và sợ cảm giác uống thuốc.

“Trường hợp trẻ không hợp tác, cần thêm một người giữ 2 tay và đầu để tránh di chuyển”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Khi cho con uống thuốc, cha mẹ cũng đừng quên kiểm tra loại thuốc và liều lượng bác sĩ đã kê theo toa. Đặc biệt, không sử dụng toa thuốc cũ hoặc mượn toa thuốc của bé khác để dùng cho con.

Cha mẹ cũng có thể giải thích cho con hiểu việc uống thuốc sẽ giúp con nhanh hết bệnh. Từ đó tạo cảm giác thoải mái, không bắt ép con. Đặc biệt, cha mẹ đừng bao giờ nói dối bé thuốc là kẹo hay nước ngọt vì sẽ làm con thất vọng, mất lòng tin và hoàn toàn không hợp tác trong những lần tiếp theo.