Cha mẹ bất cẩn khiến con suýt mất mạng khi uống thuốc
Hầu hết các cha mẹ đang nuôi con nhỏ đều có quan niệm con ốm là cho uống thuốc mới khỏi được bệnh.
Sẽ không có gì đáng nói nếu cha mẹ cho con uống thuốc đúng theo yêu cầu của bác sĩ, nhưng nhiều người vì mong con nhanh khỏi bệnh, đã tự ý tăng liều lượng hoặc uống ít đi vì sợ con uống quá liều gây ra những rủi ro không mong muốn.
Điều đáng lo ngại hơn hết vẫn là sự thiếu thận trọng của cha mẹ khi chăm sóc trẻ ốm khiến trẻ gặp nguy hiểm, như trong trường hợp bà mẹ trẻ ở Trung Quốc được truyền thông đưa tin mới đây đã khiến tính mạng đứa con trai 3 tuổi “ngàn cân treo sợi tóc”.
Cụ thể, theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc, vụ việc xảy ra hôm 16/11, nạn nhân là bé trai 3 tuổi đang theo học tại học trường mầm non An Châu phải nhập viện cấp cứu vì uống thuốc quá liều do sự nhầm lẫn của người mẹ.
Buổi sáng cùng ngày cậu bé được bà đưa đến trường, vì bị ốm nên trước khi đi chị Chu (mẹ cháu bé) nhờ bà mang thuốc đến trường để giáo viên cho bé uống. Chiều cùng ngày khi đón con trở về nhà, chị thấy sắc mặt con không bình thường nên vô cùng lo lắng.
Khi kiểm tra lọ thuốc của con do giáo viên đưa cho, chị Chu phát hiện lọ thuốc ban đầu là 73ml giờ chỉ còn lại 20ml. Vì thế, chị đã lập tức đưa con đến bệnh viện để kiểm tra thì được chẩn đoán bị ngộ độc do uống thuốc, phải rửa ruột.
Liên quan đến vụ việc, Cục Giáo dục địa phương đã làm việc với trường mẫu giáo thì được biết, ngày hôm đó giáo viên đã cho cháu bé uống 35ml thuốc theo yêu cầu của phụ huynh ghi trong mảnh giấy nhắn gửi.
Theo lời các giáo viên trường mầm non nơi cháu bé theo học, khi bà cháu đưa bé đến gửi đã đưa thuốc cho các giáo viên và căn dặn uống 35ml. Vì nghi ngờ nên các cô giáo đã hỏi lại và được bà khẳng định đúng lời mẹ cháu dặn. Thậm chí bà cháu bé còn tự điền vào tờ đăng ký yêu cầu giáo viên cho cháu uống thuốc là 35ml.
Hiệu trưởng của trường cũng đã lấy tờ đăng ký và tờ giấy kẹp trong hộp thuốc ra, trên cả hai tờ giấy đó đều viết rõ, “Dương…, buổi trưa uống 35ml”.
Sự việc nêu trên là hồi chuông cảnh báo cho sự bất cẩn của nhiều cha mẹ, vì quá bận bịu hay vì lý do nào đó mà để xảy ra những sự nhầm lẫn nghiêm trọng, đặc biệt là việc uống thuốc quá liều như trường hợp bé trai 3 tuổi nêu trên.
Chị Hương (Linh Đàm - Hoàng Mai - Hà Nội) chia sẻ, cậu con trai hơn 2 tuổi nhà chị do sinh thiếu tháng nên sức đề kháng kém, thường xuyên ốm dặt dẹo, nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Nhiều khi con ốm nặng chị mới xin nghỉ làm ở nhà trông con, còn bình thường chị vẫn phải cho con đến trường và nhờ giáo viên để ý đến con.
Về việc thuốc uống của con ở lớp, theo lời chị Hương, thông thường chị để phần thuốc của con trong ba lô đi học của bé kèm theo mảnh giấy ghi rõ liều lượng và số lần uống…, các giáo viên ở trường căn cứ vào lời căn dặn của phụ huynh trên mảnh giấy nhắn nhủ này mà cho con uống thuốc đúng giờ. Trong trường hợp có vấn đề phát sinh, giáo viên của trường sẽ liên lạc với chị để trao đổi thêm.
Cho trẻ uống thuốc thế nào cho đúng để tránh tai nạn rủi ro?
Khi thấy con bị ốm, nhiều cha mẹ không muốn đưa con đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế khám mà tự ý mua thuốc cho con điều trị theo kinh nghiệm bản thân hoặc theo mách bảo hay lời khuyên của những người có con bị bệnh tương tự. Do vậy khó tránh được những trường hợp rủi ro mang lại cho trẻ.
Liều lượng và cách dùng thuốc cho trẻ thường được cha mẹ căn cứ theo lời dặn dò của nhân viên y tế và hướng dẫn ghi trên sản phẩm thuốc mua về, nhưng vì bất cẩn nhiều cha mẹ không để ý kỹ, để xảy ra trường hợp dùng sai liều lượng cho con khiến bé rơi vào tình cảnh đáng lo ngại.
Phân tích về trường hợp bé trai ở Trung Quốc nói trên, chị Hương cho biết, có thể người mẹ cậu bé vội vã nên nhìn phần hướng dẫn “liều lượng – cách dùng” ghi trên vỏ thuốc là 3,5 ml thì nhầm thành 35 ml, hoặc có thể muốn ghi lời nhắn 3,5 ml nhưng bất cẩn ghi thành 35 ml khiến tai nạn xảy ra.
Bởi đối với một số loại thuốc thông thường, liều lượng dành cho trẻ chỉ trong khoảng 2 - 10 ml/lần, do vậy con số 35 ml quả thực là khó tin.
Theo lời chị Hương thì khi cho trẻ uống thuốc quá liều có thể gây ngộ độc cho trẻ nếu liều lượng quá cao. Trong trường hợp vì mong con nhanh khỏi bệnh mà cha mẹ tăng thêm liều lượng so với chỉ dẫn, dù không đáng kể, nhưng cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn cho trẻ.
Mời cha mẹ tham khảo hướng dẫn cách cho trẻ uống uống để đạt hiệu quả cao nhất: