Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết trong những năm đầu đời, cha mẹ nên tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ theo trình tự các mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng quốc gia và tiêm chủng mở.

Cơ thể nhạy cảm của trẻ ít nhiều sẽ có những phản ứng với việc tiêm phòng như quấy khóc, sốt nhẹ, đau hoặc sưng tấy. Việc theo dõi sau tiêm phòng là việc làm cần thiết.

Cha mẹ cần theo dõi sát sao trẻ sau khi tiêm phòng - Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin cha mẹ nên theo dõi trẻ sau khi tiêm phòng trong các khoảng thời gian cụ thể.

30 phút sau khi trẻ tiêm phòng

Cha mẹ nên cho trẻ ở lại cơ sở y tế khoảng 30 phút sau thời điểm tiêm phòng để kịp thời theo dõi. Nếu bé có hiện tượng lừ đừ, cơ thể nổi mề đay, khó chịu nên báo ngay cho nhân viên y tế để kịp thời xử trí. Thông thường, tình trạng này ở trẻ hiếm khi xảy ra.

Từ 6 – 9 giờ sau khi tiêm phòng

Trong khoảng 6 – 9 giờ sau khi đưa bé đi tiêm phòng, nếu con quấy khóc, vết tiêm có biểu hiện sưng đau, cha mẹ có thể cho bé uống thuốc giảm đau dù không sốt. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết phụ huynh có thể cho trẻ uống các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol hoặc ibuprofen.

Vết tiêm phòng sưng đau có thể khiến trẻ quấy khóc - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Khanh lý giải bé quấy khóc có thể do đau, đặc biệt khi cha mẹ chạm vào vết tiêm ngừa trên cơ thể bé. Trường hợp trẻ sốt, cha mẹ có thể cho uống thuốc hạ sốt, lau mát.

Trường hợp hiếm gặp, trẻ có biểu hiện tím tái khó thở, co giật, cha mẹ nên cho trẻ đi bệnh viện ngay lập tức. Trong tình huống này, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định có thể nguyên nhân xuất phát từ vắc xin hoặc nguyên nhân khác do trẻ bệnh trở nặng vào thời điểm này, không do vắc xin gây ra.

Trong vòng 24 giờ đầu

Sau khi tiêm vắc xin trong khoảng 24 giờ đầu, trẻ thường có biểu hiện sốt, quấy, đau là chủ yếu.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên cha mẹ nên theo dõi kỹ biểu hiện của bé trong đêm đầu tiên. Cha mẹ có thể thay nhau chăm sóc và theo dõi trẻ. Hãy quan sát cách bế trẻ khi cho bú, trẻ có bị sắc sữa hoặc thở mệt hay không, trẻ có dấu hiệu bỏ bú hay không để biết cách xử trí kịp thời.

Cha mẹ cần theo dõi trẻ cẩn thận trong đêm đầu tiên sau khi tiêm phòng - Ảnh minh họa: Internet

“Bé có biểu bất thường có thể là do bệnh nặng hôm qua đang ủ bệnh hôm nay mới phát ra. Nên nếu phụ huynh lo lắng thì đi khám ngay chứ không nên nghĩ 'chắc do vaccin, từ từ hết'”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết.