Nguyên nhân trẻ hay mắc bệnh đường hô hấp

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết trẻ dưới 4 tháng tuổi ít khi bị viêm đường hô hấp và các bệnh vặt thông thường.

Nguyên nhân chủ yếu do trong giai đoạn này, trẻ nhận được lượng kháng thể chống bệnh từ cơ thể mẹ truyền sang, sữa mẹ cũng có kháng thể giúp trẻ phòng bệnh hiệu quả.

Trong những tháng sơ sinh này, trẻ cũng ít tiếp xúc với môi trường và người lạ nên nguy cơ mắc mệnh không cao.

Trẻ dưới 4 tháng ít có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp - Ảnh minh họa: Internet

Trong khi đó, đối với trẻ lớn hơn, bé bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với môi trường khiến con gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, khi thời tiết thay đổi, lịch sinh hoạt không điều độ cũng khiến cơ thể trẻ suy giảm sức đề kháng. Lúc này, các chủng virus và vi trùng sẽ bắt đầu tấn công hệ miễn dịch khiến trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp.

Nhận diện triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp ở trẻ

Trước tiên, cha mẹ cần nhận diện những dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ.

Đối với các triệu chứng bệnh viêm phổi, viêm thanh quản, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết cha mẹ nên theo dõi nhịp thở, tập đếm nhịp thở. Nếu bé thở nhanh hoặc thở rút ngực, nguy cơ cao trẻ mắc chứng viêm phổi. Khi có dấu hiệu khóc khàn tiếng, khó thở, trẻ có thể mắc chứng viêm thanh quản, cần đưa đi khám ngay.

Theo dõi nhịp thở và các triệu chứng có thể nhận biết dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp thông thường ở trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Khi có dấu hiệu bệnh đường hô hấp nặng, trẻ sẽ có biểu hiện li bì, bỏ bú, co giật.

Nếu bé có triệu chứng ho kéo dài, ho về đêm, trẻ có nguy cơ bị suyễn. Trường hợp trẻ bị sổ mũi kéo dài, “thò lò mũi xanh”, trẻ có nguy cơ mắc chứng VA.

“Nhiều bé khò khè thấy sợ nhưng vẫn bú tốt, tươi tỉnh thì thường do đường thở mềm, lớn lên sẽ hết dần”, bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin.

Phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ như thế nào?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần chăm sóc tốt cho trẻ từ dinh dưỡng, giấc ngủ, tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch.

Đối với trẻ đang bú mẹ, nên cho trẻ bú đủ các cữ sữa, trẻ lớn nên bổ sung thêm nước, dinh dưỡng trong giai đoạn ăn dặm cần đa dạng và cân bằng.

Giấc ngủ của trẻ nên đảm bảo số giờ quy định, nên đảm bảo trẻ ngủ sâu giấc từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng. Tiêu chí này đảm bảo quan trọng để tạo miễn dịch, tăng sức đề kháng.

Cha mẹ cần chú trọng đến dinh dưỡng và giấc ngủ cho trẻ nhằm tăng cường miễn dịch, phòng bệnh đường hô hấp - Ảnh minh họa: Internet

Môi trường sinh hoạt của trẻ không nên quá nóng hoặc quá lạnh. Khi thay đổi môi trường từ nóng sang lạnh, cha mẹ chú ý nên cho trẻ nằm trong phòng có máy điều hòa khoảng 27 độ C, tránh gió lùa sẽ tốt hơn thói quen nằm quạt.

Thời gian tắm của trẻ không nên quá lâu (chỉ từ 5 – 10 phút) và không tắm cho bé quá nhiều lần trong ngày.