Táo bón là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh trong những năm đầu đời khi bú sữa mẹ, uống sữa công thức hoặc trong giai đoạn ăn dặm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết trẻ bú mẹ chưa bắt đầu ăn dặm có thể cả tuần mới đại tiện. Tuy nhiên, nếu cha mẹ quan sát thấy phân trẻ mềm thì không phải táo bón.

Trẻ rất dễ bị táo bón trong những năm đầu đời - Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh đó, không ít trẻ cũng mới bắt đầu xuất hiện tình trạng táo bón hoặc mắc chứng táo bón trong thời gian dài. Cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân để biết cách khắc phục.

Trẻ mới bị táo bón

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, một số bé khi đại tiện có thể vặn vẹo, nhăn mặt là do hoạt động tập rặn. Lúc này cha mẹ chỉ cần bình tĩnh xoa bụng cho con theo chiều kim đồng hồ.

Trong khi đó, một số bé đang đại tiện bình thường chuyển sang bị táo bón. Bác sĩ Khanh cho biết nguyên nhân chủ yếu cha mẹ pha sữa công thức cho bé quá đặc.

Bé ham chơi, nín nhịn đi đại tiện, bé sợ đại tiện ở trường học, gia đình đưa bé đi chơi xa cũng có thể gây ra tình trạng táo bón. Trong trường hợp này, thông thường phân của bé sẽ có đặc điểm phần đầu to, sau đó là phân mềm.

Tập cho con ngồi bô theo khung giờ quy định cũng khắc phục triệu chứng táo bón cho con - Ảnh minh họa: Internet

Cách khắc phục là cha mẹ hãy tập cho bé đại tiện đúng giờ: Cho bé đại tiện 2 lần sau bữa ăn sáng và sau bữa ăn chiều. Hãy tập cho bé ngồi từ 5 – 10 phút để hình thành thói quen. Thời điểm này, cha mẹ có thể trò chuyện hoặc đọc sách cho bé nghe.

Về chế độ dinh dưỡng, những bé trong độ tuổi ăn dặm bị táo bón nguyên nhân có thể do thức ăn không cung cấp đủ chất xơ. Trong khi đó lượng đạm nhiều, phô mai nhiều, thức ăn chế biến sẵn, ăn quá nhiều năng lượng... tạo ra gánh nặng cho hệ tiêu hóa của bé. Do đó, điều quan trọng hàng đầu là nên cho bé uống đủ nước, ăn đủ rau của quả, trái cây và sữa chua.

Trẻ bị táo bón kinh niên

Bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin những trẻ bị táo bón kinh niên rất sợ đi đại tiện. Phân trẻ thường cứng, có khi kèm tiểu són. Trẻ còn có hiện tượng chướng bụng, đau bụng, chảy máu khi đại tiện.

Để khắc phục tình trạng táo bón kinh niên ở trẻ em, cha mẹ cũng nên kiên trì tạo thói quen cho bé đi đại tiện đúng giờ. Việc lựa chọn thực phẩm, tạo giờ giấc sinh hoạt cũng cần tuân thủ như hướng dẫn chăm sóc bé vừa bị táo bón.

Trẻ bị táo bón kinh niên rất sợ đại tiện - Ảnh minh họa: Internet

“Khi cần thiết, cha mẹ hãy cho bé dùng thuốc làm mềm phân. Có khi phải dùng hơn một loại, có khi phải dùng vài tháng, coi khi phải dùng tới lớn. Quan niệm sai lầm trong chữa táo bón kinh niên là nhiều phụ huynh nghĩ thuốc mềm phân có hại gây thói quen lờn thuốc, tự ngưng khi bớt bón, sợ ảnh hưởng lâu dài”, bác sĩ Khanh thông tin.

Song song với quá trình chăm sóc bé bị táo bón kinh niên, cha mẹ cũng cần ổn định tâm lý cho con. Không nên để bé quá sợ hãi chuyện táo bón khi chưa đến tuổi vị thành niên. Bác sĩ Khanh khuyên các cha mẹ hãy bình tĩnh dùng thuốc mềm phân, khuyến khích con tập đi đại tiện, giải thích bé sẽ hết táo bón khi lớn.

Trong trường hợp trẻ bị táo bón nặng, cha mẹ không thể xử trí tại nhà, hãy cho trẻ đi khám chuyên tiêu hóa Nhi để bác sĩ có lời khuyên chuẩn xác.