Con đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là chứng bệnh gây nhiễm trùng não bộ phổ biến ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Philipines. Bệnh này lần đầu tiên được phát hiện tại Nhật Bản với tỷ lệ người tử vong rất cao.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết viêm não Nhật Bản là bệnh rất nặng. Bệnh dễ dẫn đến tử vong, gây ra nhiều di chứng nặng nề.

Mùa bệnh cao điểm bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10 trong năm. Trẻ em vùng nông thông gặp nhiều hơn những trẻ sống tại các thành phố. Nguyên nhân chủ yếu do con đường lây nhiễm bệnh thông qua muỗi đốt, bệnh không lây từ người sang người.

Viêm não Nhật Bản thường lây qua con đường muỗi đốt - Ảnh minh họa: Internet

Theo bác sĩ Khanh, muỗi đốt gây viêm não Nhật Bản là muỗi ruộng, sống tại các cánh đồng khu vực nông thôn. Muỗi đốt các động vật như heo, chim… sẽ mang virus lây sang cho người.  

Tại Việt Nam, viêm não Nhật Bản được ghi nhận lần đầu vào năm 1952. Bệnh xuất hiện khắp cả nước, nhiều nhất tại các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch viêm não Nhật Bản chủ yếu tập trung ở các khu vực trồng lúa kết hợp chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa.

Trong số các loại động vật sống gần con người, lợn là nguồn truyền bệnh nguy hiểm vì tỷ lệ loài động vật này sống trong vùng dịch rất cao. Virus viêm não Nhật Bản trong máu lợn xảy ra ngay khi lợn bị nhiễm virus.

Dấu hiệu bệnh viêm não Nhật Bản

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết biểu hiện bệnh viêm não Nhật Bản thông thường rất đột ngột.

Trong giai đoạn khởi phát, bệnh bắt đầu với tình trạng sốt cao, nôn ói, co giật, bệnh nhân rơi vào hôn mê (có khi chỉ 1 – 2 ngày phát bệnh đã rơi vào hôn mê). Trẻ còn có dấu hiệu kèm theo như đau đầu, rét run, buồn nôn, mệt lả.

Giai đoạn toàn phát, virus gây bệnh xâm nhập vào tế bào não tủy hủy hoại các tế bào thần kinh. Lúc này, các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật gia tăng như đổ mồ hôi, màu sắc da lúc đỏ, lúc tím tái, rối loạn nhịp thở, mạch nhanh và yếu.

Giai đoạn toàn phát thường diễn ra ngắn, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Nếu vượt qua thời kỳ này, tiên lượng bệnh sẽ tốt hơn.

Virus gây bệnh viêm não Nhật Bản - Ảnh minh họa: Internet

Sau cùng, giai đoạn lui bệnh ở tuần thứ 2 khiến bệnh nhân đỡ dần, triệu chứng từ sốt cao xuống sốt nhẹ. Từ ngày thứ 10 trở đi, thân nhiệt bệnh nhân trở lại bình thường khi không bị bội nhiễm.

Viêm não Nhật Bản có thể gây ra những biến chứng sớm như viêm phế quản, viêm phổi, loét và viêm tắc tĩnh mạch… Bệnh còn có thể để lại những di chứng sớm như bại liệt, mất ngôn ngữ, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần cùng những di chứng muộn như rối loạn giao cảm, động kinh, rối loạn tâm thần.

Theo thống kê, tỷ lệ bệnh nhân viêm não Nhật Bản tử vong lên đến 25% - 35%, khoảng 50% bệnh nhân mắc di chứng thần kinh, tâm thần.

Phòng tránh viêm não Nhật Bản cho trẻ như thế nào?

Bệnh viêm não Nhật Bản thường chữa trị rất tốn kém và điều trị trong thời gian dài. Do đó, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cha mẹ cần phòng bệnh cho trẻ bằng việc tiêm đầy đủ và đúng lịch các mũi vắc xin viêm não Nhật Bản.

Theo đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết các mũi tiêm viêm não Nhật Bản cho trẻ đã được tiêm miễn phí tại trạm y tế xã, phường cùng các mũi tiêm dịch vụ.

Trẻ từ 12 tháng tuổi tiêm 2 mũi vắc xin viêm não Nhật Bản cách nhau từ 7 – 14 ngày, nhắc lại mũi thứ 3 sau 1 năm, 3 năm sau tiếp tục tiêm nhắc lại.

Ngoài tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, cha mẹ cũng cần chú ý đến môi trường sống trong lành cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet

"Ngoài ra, vắc xin mới nhập về nước ta có tên gọi MOJEV có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi, nhắc lại 1 mũi sau từ 1 – 2 năm", bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin. 

Trẻ đã tiêm 1, 2 hay 3 mũi vắc xin viêm não Nhật Bản vẫn có thể chích loại vắc xin mới này. Trẻ đã tiêm 1 mũi có thể tiêm mũi mới cách 14 – 28 ngày.

Đối với 2 mũi cơ bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, sau 1 năm có thể cho trẻ tiêm nhắc lại loại vắc xin mới. Trẻ lớn có thể tiêm 1 mũi vắc xin mới để phòng bệnh.

Ngoài tiêm vắc xin, cha mẹ cũng cần thực hiện một số những lưu ý sau để phòng bệnh:

Giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Chuồng trại chăn nuôi gia súc nên vệ sinh thường xuyên để muỗi không có nơi ẩn nấp.

Nên cho trẻ ngủ màn để tránh bị muỗi đốt. Cha mẹ cũng cần nhắc nhở trẻ không chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt vào buổi chiều tối. 

Nếu trẻ có biểu hiệu sốt cao kèm theo các triệu chứng nôn ói, khó thở, co giật cùng những biểu hiện bất thường, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời thăm khám.