Hàng ngày, trẻ thường đặt ra rất nhiều câu hỏi tò mò về các sự vật và hoạt động xung quanh mình. Đa số các bậc phụ huynh chỉ có thể kiên nhẫn trả lời những câu hỏi đầu tiên. Đến những câu về sau, cha mẹ sẽ tỏ ra khó chịu và cố gắng kết thúc sớm. 

Nhiều bậc cha mẹ thường không thể kiên nhẫn với rất nhiều câu hỏi của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Bệnh viện Hoàng gia Wocester (Vương quốc Anh) cho biết: "Nghiên cứu phát hiện rằng câu hỏi của trẻ nhỏ, tầm 2-6 tuổi, không dừng lại 'Có' hay 'Không'. Mà số lượng dạng câu hỏi có từ để hỏi như 'Cái gì', 'Tại sao', 'Làm như thế nào', 'Ai' với đa dạng chủ đề và tăng dần số lượng. Điều này cho rằng có liên quan đến xây dựng nền tảng tư duy phát triển.

Tận dụng cơ hội giúp trẻ sàng lọc thông tin

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh thông tin nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Rowe, Đại học Harvard (Mỹ) nhận định nhóm câu hỏi dạng có từ để hỏi liên quan đến xây dựng khả năng tư duy cho trẻ nhỏ. Trẻ em cần được xây dựng ngôn ngữ, đánh giá tình huống, chắt lọc tình huống, bác bỏ tình huống và lựa chọn giải pháp.

"Hãy tưởng tượng như 1 hệ thống gồm nhiều lớp sàng lọc. Đến cuối cùng phần quan trọng nhất được trẻ hấp thụ, quy trình sàng lọc này là quy trình học hỏi để có tư duy. Tiến sĩ Chouinard, Đại học California (Mỹ) cho rằng: Trẻ con cần thỏa mãn ít nhất 1 chủ đề sàng lọc 1 lần thì được tính là 1 điểm cho rèn luyện tư duy", bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

Trẻ sẽ biết sàng lọc thông tin từ chính những câu trả lời của cha mẹ - Ảnh minh họa: Internet

Càng lớn hệ thống này sẽ ít thường xuyên hơn. Do đó, nếu cha mẹ không tận dụng cơ hội để con sàng lọc thông tin thì trẻ càng lớn càng lười suy nghĩ và tư duy kém hơn. 

Việc tư duy là cần thỏa mãn câu trả lời. Cha mẹ cần có thái độ ủng hộ và cung cấp thông tin. Chỉ cần cha mẹ sau vài lần tỏ thái độ không ủng hộ thì trẻ thường không muốn hỏi nữa.

Hậu quả là hệ thống sàng lọc cũng dần thưa thớt khiến thông tin trẻ tiếp nhận như một cái phễu, chỉ cho thông tin đi một chiều. 

Cần trả lời câu hỏi của trẻ như thế nào?

Trả lời câu hỏi không chỉ giúp trẻ có được thông tin mà chính các bậc cha mẹ cũng có thể tư duy và suy nghĩ tốt hơn. Do đó, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết cha mẹ hãy mừng rỡ khi trẻ hỏi và đón nhận cơ hội này với 3 điều cơ bản:

- Thái độ ủng hộ, thành ý cho câu trả lời và sẵn sàng cho những câu hỏi khác, cho dù trẻ hỏi có lúc ngớ ngẩn và lặp lại.

Hãy chuẩn bị sẵn sàng giải đáp thắc mắc giúp trẻ - Ảnh minh họa: Internet

- Chuẩn bị câu trả lời để trẻ có thông tin và có cơ hội mở rộng. Đừng ngại trả lời "Mẹ không rõ, chúng ta cùng tìm hiểu chiều nay nhé!".

- Giữ lời hứa với trẻ dù trẻ có quên. Bạn nên là người chủ động nhắc lại lời hứa về câu trả lời nào đó.

Cách cha mẹ trả lời câu hỏi của trẻ

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, tùy vào câu hỏi mà cha mẹ sẽ có câu trả lời đa dạng. Tuy nhiên cần cho thông tin về từ để hỏi trong câu hỏi của trẻ.

Ví dụ: Trẻ hỏi về cái gì, cha mẹ sẽ cho thông tin đặc điểm cái đó. Trẻ hỏi số lượng bao nhiêu, bạn cho thông tin số lượng. Trẻ hỏi tại sao thì cho lí do. Trẻ hỏi cách làm thì cho từng bước, có thể cùng trẻ làm thí nghiệm (nếu cần).

Nên duy trì mỗi chủ đề của trẻ hàng tuần để con phát triển tư duy - Ảnh minh họa: Internet

Khi trẻ hỏi câu hỏi "Có" hoặc "không", cha mẹ nên hỏi lại trẻ câu hỏi có từ để hỏi để giúp trẻ mở rộng tư duy.

Trẻ có thể hỏi cha mẹ bất cứ lúc nào. Duy trì ít nhất một chủ đề thỏa mãn câu trả lời mỗi tuần là điều nên làm để giúp trẻ phát triển tư duy.

Làm sao để biết trẻ hài lòng với những câu trả lời?

Khi trẻ hài lòng với những câu trả lời của cha mẹ, cha mẹ sẽ dễ dàng nhận thấy biểu hiệu rõ rệt là con sẽ dừng câu hỏi hoặc chuyển sang chủ đề khác.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể kể lại câu chuyện về chủ đề đó. Cha mẹ nên khuyến khích hoạt động này của con để bé có hứng thú kể với mọi người.