Ngày càng xuất hiện nhiều vụ việc người “ngáo đá” có những hành động bất thường khiến người xung quanh cảm thấy kinh hãi. Trong số đó, không ít người đã có hành động khống chế, gây nguy hiểm cho người xung quanh như thả con trẻ từ tầng 2 xuống đất, sát hại người thân trong tình trạng “phê thuốc”, gây hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân.

Làm cách nào để thoát thân khi chẳng may bị người “ngáo đá” khống chế là mối quan tâm của nhiều người dân khi người nghiện ma túy đá có dấu hiệu gia tăng trong một vài năm trở lại đây.

Cha "ngáo đá" khống chế và thả con từ tầng cao xuống đất. Ảnh: Bảo vệ Pháp luật.

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, ThS.BS Đinh Hữu Uân, Giám đốc Phòng khám chuyên khoa tâm thần, Thành viên hiệp hội Tâm thần Mỹ - APA cho biết, nhiều người cho rằng dùng ma túy đá không nghiện. Tuy nhiên đây là một quan niệm sai lầm bởi ma túy đá là một chất kích thích tâm thần. Sử dụng ma túy đá lâu dài có thể dẫn đến tình trạng loạn thần, mất trí, người nghiện không kiểm soát được hành vi của mình.

ThS.BS Đinh Hữu Uân, Giám đốc Phòng khám chuyên khoa tâm thần, Thành viên hiệp hội Tâm thần Mỹ - APA. Ảnh: BSCC

“Họ có hành vi rối loạn như trèo lên cây, trèo lên mái nhà, cột điện, nét mặt đằng đằng sát khí, mắt nhìn chằm chằm, miệng gào thét và có hoang tưởng nên rất dễ đe dọa tính mạng bản thân và người xung quanh”, Bác sĩ Đinh Hữu Uân cho hay.

Nắm vững bí kíp xử lý khi gặp người "ngáo đá" hoặc chẳng may bị khống chế là điều ai cũng nên biết. 

Càng tránh xa càng tốt

Theo đó, nếu gặp người “ngáo đá” ngoài đường, bác sĩ Uân khuyên người dân nên tránh xa, càng tránh xa càng tốt ngoài tầm sát thương của họ như ném đá, gạch, dùng dao kéo…

Báo cảnh sát 113

Sau đó người dân hãy thông báo cho cảnh sát 113 địa điểm và trạng thái của người ngáo đá để cảnh sát chuẩn bị phương án giải cứu. Có thể liên hệ với bác sĩ, bệnh viện tâm thần gần nhất để được hỗ trợ.

Không cố gắng tiếp cận người ngáo đá để lấy dụng cụ sát thương trong tay họ vì điều này sẽ gây nguy hiểm cho chính người tiếp cận.

Tránh la hét, kích động tinh thần người "ngáo đá"

Nếu chẳng may bị người “ngáo đá” khống chế, người dân hãy bình tĩnh, không la hét để tránh kích động tinh thần người nghiện, đẩy mình vào tình thế nguy hiểm.

“Tâm lý người ngáo đá rất thích nghe những lời nói ngọt ngào và đồng cảm với họ. Tâm trạng họ vô cùng kích động nhưng cũng dễ mất tập trung, lơ đễnh.

Vì thế, một mặt thái độ tiếp xúc phải bình tĩnh, tránh dùng ngôn từ gây hấn, chỉ trích người ngáo. Ngôn ngữ dùng trong hoàn cảnh này phải phù hợp với tình trạng hoang tưởng ảo giác của họ để người ngáo coi mình là “đồng minh” của họ.

Mặt khác, trong lúc đang nói chuyện với họ, hãy nhìn xung quanh để tránh xa những dụng cụ có tính chất sát thương, tìm cách lợi dụng sơ hở của họ để thoát thân.

Tốt nhất khi bị người “ngáo đá” khống chế hãy làm theo những yêu cầu của họ. Trong khi thực hiện những yêu cầu của họ hãy tìm cách nhanh chóng thoát khỏi tầm khống chế”, Bác sĩ Uân nhấn mạnh.