Bác sĩ Lê Tiểu My, khoa Sản, Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM) khẳng định việc chị em không có sự chuẩn bị trước khi mang thai là hoàn toàn sai lầm. 

Nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, mẹ bầu sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh. 

Dưới đây là những việc người mẹ nên làm trước khi mang thai theo khuyến cáo của bác sĩ Tiểu My. 

Có rất nhiều việc người mẹ cần làm để chuẩn bị mang thai. Ảnh minh họa.

Khám sức khoẻ

Kiểm tra sức khoẻ tổng quát trước khi có thai là việc quan trọng nhất. Ngoài việc kiểm tra xem bạn đủ điều kiện mang thai hay không, bác sĩ sẽ giúp điều trị các bệnh lý có thể ảnh hưởng thai, có thể nặng lên khi mang thai, hoặc thay đổi điều trị các bệnh sẵn có.

Rà soát lại nguy cơ bệnh tật

Bạn hãy rà soát lại gia đình vợ/chồng có ai mắc bệnh gì không, đặc biệt là các bệnh lý bẩm sinh. Thông báo cho bác sĩ điều này (nếu có) để có thể tầm soát cho thai, có biện pháp chẩn đoán bệnh.

Uống viên đa sinh tố bổ sung vitamin, khoáng chất

Đây là việc làm quan trọng, ít nhất 0,4mg acid folic trước và trong thai kỳ. Để có hiệu quả, bạn cần uống ít nhất 1 tháng trước khi có thai. Nếu từng có thai hoặc con bị dị tật ống thần kinh, bạn vần duy trì acid folic suốt 3 tháng đầu thai kỳ.

Chuẩn bị tốt cho việc mang thai sẽ giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh. Ảnh minh họa.

Thận trọng khi sử dụng thuốc

Thông báo với bác sĩ của bạn nếu đang có thai hoặc nghi ngờ có thai trong mọi trường hợp. Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc giảm đau, chống dị ứng, các loại thảo dược...

Mặt khác cũng đừng tự ý dừng bất kỳ thuốc nào đang sử dụng mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Việc dừng thuốc có thể khiến bệnh của bạn diễn tiến nặng hơn, gây hại cho cả bạn và thai.

Duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường

Mẹ quá dư cân, béo phì tăng nguy cơ dị tật ở trẻ, kể cả dị tật thần kinh, tim...

Ngoài ra, khi thành bụng quá dày khiến cho việc siêu âm khảo sát thai nhi khó khăn, dễ bỏ sót dị tật. Ngoài những rủi ro này, còn nhiều rủi ro khác như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, mổ lấy thai... Cho nên mẹ đừng nghĩ tẩm bổ quá nhiều khi mang thai là tốt nhé! 

Phòng các bệnh nhiễm trùng

Giữ vệ sinh sạch, tiêm phòng, tránh tiếp xúc người bệnh, tránh nơi đông người.

Kiểm tra môi trường sống và làm việc

Tiếp xúc chì (có trong nước sơn nhà cũ, đồ gốm..), thuỷ ngân (trong cá, môi trường), hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật (trong rau quả)...đều có thể tăng nguy cơ dị tật thai nhi.

Không uống rượu, tránh xa người hút thuốc lá 

Hút thuốc thụ động (hít khói thuốc) cũng nguy hiểm như hút thuốc chủ động. Bởi vậy mẹ hãy tránh xa người hút thuốc lá và nói không với đồ uống có cồn để đảm bảo khỏe mạnh cho hai mẹ con.