Trong những ngày hè mưa nắng thất thường dễ khiến cho thực phẩm không được tươi ngon và dẫn đến ngộ độc thực phẩm rất cao nếu chẳng may ăn phải. Nhất là ở những hàng quán lề đường thì chuyện ngộ độc sẽ càng khả thi hơn nữa. Khi ở nhà, cha mẹ có thể quản lý việc ăn uống của con, thế nhưng ra đường thì việc này khó vô cùng. Cũng vì thế mà mùa này trường hợp ngộ độc thực phẩm vô cùng cao, trong đó trẻ em là cao hơn cả.

Do đó, các bậc phụ huynh nên quan tâm và để mắt đến con trẻ nhiều hơn. Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyên các phụ huynh nên tìm hiểu sơ lược về ngộ độc thức ăn nói riêng và ngộ độc các loại thực phẩm nói chung. Từ các dấu hiệu nhận biết khi bị ngộ độc cho đến cách sơ cứu ban đầu,...

Nguyên nhân và biểu hiện của ngộ độc thức ăn

Ngộ độc thức ăn thông thường là do ăn uống thực phẩm không rõ nguồn gốc, bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay các thực phẩm đã bị ôi thiu hoặc chứa chất gây độc,... Thông thường ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện chỉ sau vài phút sau khi bệnh nhân ăn thức ăn. Có trường hợp sau vài giờ mới có biểu hiện ngộ độc, thậm chí là 1-2 ngày.

Ngộ độc thức ăn nếu trong tình trạng nhẹ sẽ làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Còn trong tình trạng nặng mà không được cứu chữa kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Thông thường khi bị ngộ độc thức ăn trẻ sẽ có những biểu hiện như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy,... Ảnh minh họa: Internet

Thông thường thì người bị ngộ độc thức ăn sẽ có những biểu hiện cụ thể như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi có kèm theo các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở,... Nếu nặng còn xuất hiện thêm hiện tượng rối loạn ý thức, co giật, đồng tử giãn,... Và cũng tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc mà bệnh nhân sẽ có những biểu hiện khác nhau.

Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thức ăn

Nếu chẳng may gặp người có những biểu hiện ngộ độc thức ăn như trên, nhất là trẻ em thì cần phải kịp thời sơ cứu để tránh dẫn đến trường hợp xấu nhất xảy ra. Sau đây là cách sơ cứu khi gặp người bị ngộ độc:

- Gây nôn: Cách này chỉ áp dụng với trường hợp người bị ngộ độc không có biểu hiện nôn. Với cách làm này sẽ làm hạn chế chất độc có trong thức ăn hạn chế ngấm vào cơ thể.

Đây được xem là biện pháp đầu tiên và cơ bản nhất trong việc sơ cứu người bị ngộ độc thức ăn. Bạn có thể thực hiện kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn có trong dạ dày ra ngoài. Với cách này bạn có thể thực hiện bằng việc dùng tay đã được rửa sạch của mình đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Trường hợp người ngộ độc nôn càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra ngoài sẽ càng tốt.

Với phương pháp gây nôn này thì bạn cần lưu ý là trước khi thực hiện, nên để người bị ngộ độc nằm nghiêng. Có thể kê cao phần đầu để việc nôn trở nên dễ dàng hơn, đồng thời cũng không làm trào ngược vào phổi, gây sặc cho người bệnh.

Ngoài ra, trong trường hợp người bị ngộ độc thức ăn đã bị hôn mê thì tuyệt đối không được thực hiện cách làm này. Vì khả năng cao sẽ gây sặc hay ngạt thở và sẽ làm tình hình xấu hơn nữa.

Sơ cứu cho trẻ ngộ độc thức ăn bằng cách gây nôn chỉ áp dụng với trường hợp trẻ bị ngộ độc không có biểu hiện nôn. Ảnh minh họa: Internet

- Cho người bị ngộ độc uống nhiều nước và nghỉ ngơi

Đối với người bị ngộ độc thức ăn thì triệu chứng thông thường sẽ là đau bụng, buồn nôn và đi ngoài nhiều lần. Chính vì thế sẽ khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng. Do đó, cần phải bù nước cho người bị ngộ độc bằng cách cho uống nhiều nước lọc, uống oresol (viên sủi bù nước và điện giải) hoặc nước gạo rang để bù nước cho người bệnh.

- Đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất hoặc có thể gọi cấp cứu 115

Dù bạn đã tiến hành các bước sơ cứu trên đi nữa thì đó cũng chỉ là cách làm tạm thời mà thôi. Việc làm trên chỉ để hạn chế chất độc ngấm vào cơ thể người bệnh. Vì cơ bản bạn vẫn chưa biết tình trạng ngộ độc của người bệnh là nặng hay nhẹ. Do đó, người bệnh vẫn có khả năng gặp nguy hiểm. Thế nên, việc đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu hoặc gọi cấp cứu 115 hỗ trợ là điều cần thiết phải làm.