Vì sao ung thư tăng?

Theo PGS. TS. Vũ Hồng Thăng, Phó Trưởng Bộ môn Ung thư Đại học Y Hà Nội, Phó Trưởng khoa điều trị nội - Bệnh viện K, tỷ lệ mới mắc ung thư trên toàn thế giới đều tăng dần. Trong các báo cáo trên toàn thế giới bệnh ung thư đều tăng.

Nguyên nhân bệnh ung thư tăng, PGS Thăng cho rằng do dân số tăng, tuổi thọ tăng, tỷ lệ dân số người già tăng lên, yếu tố môi trường, công nghiệp hoá chất, nếp sống cũng ảnh hưởng, tiêu thụ thuốc lá, rượu bia, thực phẩm chứa chất bảo quản, ánh sáng mặt trời, tia tử ngoại đủ các yếu tố tác động làm ung thư gia tăng.

Năm 2018 toàn thế giới có 18 triệu người mắc và dự báo đến năm 2040 con số này sẽ tăng lên gấp đôi.

Ngoài ra, tỷ lệ tăng cũng do có các biện pháp sàng lọc phát hiện ung thư tốt nên số lượng ung thư tăng dần. Điều này giúp nhiều người phát hiện bệnh sớm hơn, kết quả điều trị tăng lên so với trước kia.

PGS Vũ Hồng Thăng - Ảnh: Internet

PGS Thăng cho biết tại Việt Nam điều có thể nhìn thấy số người mắc ung thư nhiều do sự phát triển của giao thông, truyền thống người bệnh tiếp cận cơ sở trị ung thư nên ghi nhận số bệnh nhân mắc ung thư nhiều hơn.

Trước đây, nhiều người bị ung thư, họ về nhà tự điều trị và không đến cơ sở y tế để đánh giá được bệnh nên không thể ghi nhận những trường hợp này, đến nay đã khác.

PGS Thăng nhấn mạnh ung thư được xem là bệnh của xã hội hiện đại và việc điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào giai đoạn sớm của bệnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm, Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng ung thư gia tăng nhưng nó không quá đáng sợ nếu phát hiện bệnh sớm bệnh. Phát hiện bệnh ung thư sớm hiệu quả điều trị cao, chi phí thấp.

TS Khiêm cho rằng mọi người cần tạo thói quen khám bệnh 6 tháng 1 lần. Khi khám bệnh không chỉ sàng lọc được bệnh ung thư mà còn rất nhiều bệnh khác như bệnh tim mạch.

Những người mang vi rút viêm gan B, người bệnh chú ý nước ta có tỷ lệ viêm gan B rất cao khoảng 15% dân số, nhiễm vi khuẩn HP, người mang tổn thương tiền ung thư polyp đại trực tràng, dạ dày, người có nguy cơ cao về di truyền như mẹ và chị em gái bị ung thư vú, ung thư buồng trứng cần chú ý khám sức khoẻ định kỳ và có thể tiến hành xét nghiệm gen để giải mã nguy cơ mắc ung thư.

Nâng cao ý thức tự khám bệnh cho mình, TS Khiêm nhấn mạnh không nên trông chờ vào các chu kỳ khám bệnh định kỳ mà cần lắng nghe cơ thể, tự khám để có thể phát hiện sớm. Ví dụ như tự khám vú ở nhà. Hiện nay, đa số bệnh ung thư vú phát hiện sớm đều nhờ tự khám vú. Ví dụ họ thấy các dấu hiệu có u cục ở vú, gần vú, vú chảy dịch đi khám ngay và đều có khả năng điềm báo ung thư.

Dấu hiệu ung thư cần nhớ

TS Khiêm cho biết người nhà bệnh nhân và bệnh nhân cần biết các dấu hiệu ung thư để có thể đến các cơ sở y tế khám sớm nhất.

10 dấu hiệu ung thư bạn chớ bỏ qua - Ảnh minh họa: Internet

Tổ chức y tế thế giới và Bộ Y tế đưa ra 10 dấu hiệu ung thư cần nhớ bao gồm:

  • Vết loét lâu liền trên da cảnh báo ung thư da, loét ở vùng miệng cảnh báo ung thư khoang miệng, ở lưỡi cảnh báo ung thư lưỡi.
  • Sờ thấy khối u ở ngực, vú cảnh báo ung thư vú
  • Ho kéo dài, thời gian ho kéo dài trên 1 tuần đến 10 ngày cần tới các cơ sở y tế kiểm tra có thể ung thư phổi
  • Sờ thấy hạch bất thường có thể u lympho, di căn hạch
  • Sự thay đổi của hệ thống tiêu hóa, thay đổi thói quen đại tiện cảnh báo ung thư đại trực tràng
  • Ù tai, khạc ra máu cảnh giác ung thư vòm họng
  • Phụ nữ xuất huyết âm đạo bất thường cần khám chuyên khoa đề phòng dấu hiệu ung thư cổ tử cung.
  • Giảm cân đột ngột, giảm cân không rõ nguyên nhân từ 4,5 kg trở lên có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư.
  • Khó nuốt hoặc ăn mất ngon cảnh báo ung thư thực quản
  • Đầy hơi, đau tức hạ sườn – dấu hiệu ung thư gan, đầy hơi kèm ợ chua đau thượng vị ung thư dạ dày.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp khi có dấu hiệu trên đến khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Chính vì thế, bất cứ ai cũng cần tăng cường tự kiểm tra sức khoẻ, tự sàng lọc. Đặc biệt là những người mang nguy cơ cao.