Bác sĩ “bật mí” cách điều trị căn bệnh thiếu hóc môn tăng trưởng gây ngoại hình “tí hon”
Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ loạt hình ảnh đám cưới của cặp đôi tí hon khiến nhiều người xôn xao. Cô dâu và chú rể với ngoại hình “bé tí xíu”, chỉ như những học sinh lớp 1, tay trong tay rạng rỡ bên nhau.
Được biết cô dâu năm nay 30 tuổi, cao 1,18m nặng 18kg, quê ở Bình Thuận. Còn chú rể 31 tuổi, cao 1,20m và nặng 20kg, quê Nghệ An.
Đám cưới cặp đôi "tí hon" do thiếu hormone tăng trưởng gây "sốt" mạng xã hội. Ảnh: MXH
Cô dâu chú rể không may mắc căn bệnh lùn tuyến yên do thiếu hormone tăng trưởng. Dù có khiếm khuyết về chiều cao, thế nhưng nghị lực phi thường của cả hai đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn khác.
Không phải ai cũng hiểu hết về căn bệnh thiếu hormone tăng trưởng gây ra ngoại hình thấp bé như cặp đôi đang gây “sốt mạng” xã hội này.
Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe dưới góc độ y khoa, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thiếu hormone tăng trưởng chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng chiều cao. Con chậm tăng trưởng chiều cao là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ hiện nay.
Điều trị thiếu hormone tăng trưởng khi chưa đầy 2 tuổi
Theo Tiến sĩ Ngọc Khánh, ghi nhận tại Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền, bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày các bác sĩ tiếp nhận từ 30 – 50 trường hợp bệnh nhi đến khám vì chậm tăng trưởng chiều cao.
Phát hiện con chậm tăng trưởng chiều cao bất thường, cha mẹ nên cho con đi khám sớm. Ảnh minh họa.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ như suy dinh dưỡng, bị các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng.
Trong đó thiếu hóc môn tăng trưởng là một trong những nguyên nhân quan trọng, tỉ lệ mắc bệnh khoảng 1/4000 – 1/10.000 trẻ. Có những trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng và bắt đầu điều trị khi mới được 19 tháng tuổi.
Hormone tăng trưởng rất cần thiết để giúp cơ thể trẻ phát triển chiều cao, giảm khối mỡ, tăng khối cơ trong cơ thể. Trẻ em thiếu hormone tăng trưởng sẽ chậm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ gãy xương và bệnh tim mạch. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao đáng lẽ trẻ sẽ đạt được khi trưởng thành”, Tiến sĩ Ngọc Khánh cho hay.
Điều trị chậm tăng trưởng chiều cao thế nào?
Tiến sĩ Ngọc Khánh khẳng định phương pháp điều trị hóc môn tăng trưởng là chìa khóa cho các trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hóc môn tăng trưởng. Bệnh này cần được điều trị sớm trước khi sụn xương của trẻ đóng lại để tránh làm lỡ cơ hội vàng tăng chiều cao của trẻ.
“Cha mẹ cần theo dõi chiều cao của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng để xem chiều cao và tăng trưởng của con có bình thường hay không. Với trẻ thiếu hormone tăng trưởng thì càng điều trị sớm, trẻ sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ.
Bất kỳ thời điểm nào thấy trẻ phát triển chiều cao thấp hơn giới hạn bình thường và tốc độ tăng trưởng chậm thì gia đình nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết Nhi để xác định chẩn đoán và nguyên nhân”, Tiến sĩ Khánh tư vấn.
Trẻ chậm tăng trưởng chiều cao cần được điều trị đúng thời điểm, đúng liều, tốt nhất là trong khoảng độ tuổi 4-13, trước khi các sụn xương của trẻ đóng lại.
Điều trị bệnh lý này là bằng đường tiêm và phải tiêm thuốc đều đặn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý điều trị dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...