Công an tỉnh Hải Dương vừa bắt giữ 3 nghi phạm liên quan vụ nam sinh lớp 10 bị đánh tử vong tại Nhà văn hóa thôn Đồng Hội (xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, Hải Dương) vào tối ngày 11/7.

3 nghi phạm đánh tử vong con trai Chủ tịch xã ở Hải Dương

Các đối tượng bị bắt giữ là Phạm Quốc Cường, Phạm Văn Trang, Nguyễn Thành Long cùng sinh năm 2005, cùng trú tại xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang và đều đang là học sinh trường THPT Ninh Giang II.

Nạn nhân trong vụ án là em Đ.V.H. (SN 2006), là học sinh trường THPT Khúc Thừa Dụ, con trai của Chủ tịch UBND xã Hồng Phong. Thời điểm xảy ra vụ việc là khi H. đang hướng dẫn cho thiếu niên sinh hoạt hè ở nhà văn hoá thôn

Quá trình điều tra xác định, Phạm Quốc Cường cho rằng H. tán tỉnh người yêu của Cường trên mạng xã hội, nên đã rủ 3 đối tượng Long, Trang và Vũ Văn Đức (SN 2004) đi tìm H. để đánh.

Khoảng 20h ngày 11/7, Cường và 3 đối tượng đi bằng 2 xe đạp điện đến nhà văn hóa thôn Đồng Hội, xã Hồng Phong, thấy H. đang dạy thiếu nhi sinh hoạt hè tại đây thì Long và Trang gọi H. ra ngoài rồi dùng tay, chân tấn công nạn nhân.

Khi H. bỏ chạy, Long và Trang đã truy đuổi để đánh khiến H. bất tỉnh. Được nhân viên trạm y tế cấp cứu tại chỗ nhưng H. không qua khỏi.

Kết quả khám nghiệm tử thi xác định sơ bộ nguyên nhân chết của nam sinh H. là do chấn thương đầu gáy gây phù não, xuất huyết não, xuất huyết bán cầu đại não hai bên và tiểu não, gẫy gai đốt sống cổ 3.

Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP.HCM)

Luận bàn về vụ việc này dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định, hành vi đánh hội đồng em H. của nhóm đối tượng đã gây ra hậu quả làm nạn nhân bị tử vong có dấu hiệu cấu thành tội "Giết người" theo quy định Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 hoặc tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

"Trong sự việc này, cả Cường, Long, Trang cùng là học sinh, nhưng đều sinh năm 2005, có nghĩa là đều trên 16 tuổi khi thực hiện hành vi. Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác. Như vậy, cả 3 đối tượng trên đều đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật", luật sư Diệp Năng Bình nhận định.

Tuy nhiên, ông Bình cho biết, nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội là đảm bảo lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Khi xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, có 3 cấp độ xử lý đó là miễn trách nhiệm hình sự đi kèm với đó là thực hiện các biện pháp giám sát, giáo dục như khiển trách; hoà giải cộng đồng; giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Cấp độ thứ hai là giáo dục tại trường giáo dưỡng. Cấp độ cuối cùng là sử dụng các hình phạt như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.

"Tuỳ theo mức độ vi phạm của các đối tượng, Toà án sẽ áp dụng hình phạt tù có thời hạn nếu xét thấy việc giáo dục tại trường giáo dưỡng không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa", ông Bình phân tích.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, Khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù, nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

"Như vậy, trường hợp nhóm đối tượng trên bị kết tội theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 thì mức phạt tù được áp dụng thay vì từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình sẽ được giảm xuống còn từ 9 - 18 năm. Trường hợp nhóm đối tượng trên nếu bị kết tội theo khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 thì thay vì từ 7 - 14 năm sẽ được giảm xuống còn từ 5 - 10 năm", luật sư Bình nói.