Tỉnh dậy bên trong quan tài là cơn ác mộng dường như chỉ xuất hiện trong những bộ phim kinh dị. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số trường hợp hy hữu xảy ra. 

Theo CNN, đầu tháng 2, một cụ bà 82 tuổi được tuyên bố đã mất tại viện dưỡng lão ở New York (Mỹ). Sau đó, nhân viên nhà tang lễ phát hiện bà vẫn còn sống.

Trước đây, một phụ nữ 66 tuổi mắc chứng mất trí nhớ cũng được xác nhận đã qua đời. Nhưng người ở nhà tang lễ nhận ra bà đang thở gấp khi mở túi đựng thi thể. 

Một người được xác định tử vong khi ngừng thở, ngừng tim... Ảnh minh họa: Yale

Giáo sư Stephen Hughes, giảng viên y khoa tại Đại học Anglia Ruskin (Vương quốc Anh), cũng từng chứng kiến vụ việc tương tự. Một người phụ nữ uống quá liều thuốc an thần được kê cho chứng động kinh. Bác sĩ đa khoa xác nhận cô đã tử vong. Tuy nhiên, khi thi thể được đưa tới nhà xác, người ta thấy một chân của cô co giật. 

Khi ở trường y, các bác sĩ được dạy xác định một người tử vong khi có các dấu hiệu như ngừng thở, ngừng tim, kết quả điện tim, điện não thể hiện bằng một đường đẳng điện, đồng tử giãn ra, không phản ứng với bất kỳ kích thích nào. Giấy chứng tử thường có sự xác nhận của ít nhất 2 bác sĩ. 

Nhưng trong một số trường hợp, dù đã xác nhận tử vong theo các biểu hiện trên, bệnh nhân lại có dấu hiệu của sự sống sau đó. Đây có thể là sơ suất của bác sĩ nhưng cũng có một số nguyên nhân khiến việc tuyên bố chính xác một người còn sống hay đã chết khó khăn hơn: 

Các loại thuốc

Thuốc an thần được cho có tác dụng bảo vệ não, được sử dụng để gây mê cho các ca phẫu thuật. Thuốc có thể làm giảm phản ứng và chậm quá trình hô hấp, tuần hoàn. Điều này đồng nghĩa những người uống các loại thuốc đó đôi khi có vẻ như đã chết. 

Giáo sư Stephen Hughes giải thích trên Conversations: "Sau đó, khi thuốc được đào thải khỏi cơ thể, người bệnh có thể tỉnh dậy". 

Một vài loại thuốc dùng trị lo âu, hoảng loạn và mất ngủ cũng có thể dẫn tới nhầm lẫn tương tự. 

Nước lạnh

Chìm trong nước lạnh cũng có thể dẫn đến ảo giác về cái chết vì làm chậm nhịp tim. Y văn đã ghi nhận các trường hợp vẫn sống sót dù đuối nước trong một thời gian dài. 

Bởi vậy, khi cấp cứu, nhân viên y tế không được phép xác nhận người đuối nước đã tử vong nếu cơ thể họ chưa được ủ ấm. Có trường hợp vẫn phục hồi thần kinh tốt dù thời gian ngâm trong nước lạnh lên đến 70 phút. 

Sốc và ngất xỉu 

Tình trạng sốc và ngất xỉu của một người cũng có khả năng khiến bác sĩ bị nhầm lẫn bệnh nhân đã tử vong. Quá trình ngất xỉu kích hoạt dây thần kinh phế vị - liên kết chính giữa não và cơ thể - làm tim đập chậm lại và giảm lưu lượng máu.

Một thai phụ trẻ ở Honduras được cho là đã chết vì sốc sau khi nghe thấy tiếng súng trong khu phố. Một ngày sau đám tang, người ta nghe thấy cô la hét trong ngôi mộ của mình.