Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, sáng 8/6, thành phố ghi nhận một bệnh nhân Covid-19, đã được Bộ Y tế công bố, là F5 liên quan chuỗi lây nhiễm thuộc ổ dịch truyền giáo Phục Hưng. Trường hợp này đã được cách ly từ trước.

F5 này nằm trong chuỗi lây nhiễm liên quan "bệnh nhân 6288", hội viên nhóm truyền giáo Phục Hưng. Người này đã lây cho 5 trường hợp F1. Sau đó, 5 người này lây cho 19 người tiếp xúc diện F2, ba người diện F3, một người diện F4.

Trước đó, hai người diện F5 bị lây nhiễm được ghi nhận là chồng và con của thai phụ ngụ quận Tân Phú.

Cụ thể, ca 6770 vốn là F1, hội viên hội truyền giáo, lây cho đồng nghiệp (F2) trong toà nhà quận 1- ca 6907. Người đồng nghiệp lây cho em gái (F3) - ca 6781. Em gái lây cho đồng nghiệp trong ngân hàng ở quận 7, tức thai phụ ngụ quận Tân Phú (F4) - "bệnh nhân 6445". Chồng và con thai phụ (F5) sau đó được ghi nhận mắc bệnh.

Hiện, 40 trong số 55 thành viên nhóm truyền giáo mắc Covid-19. Dịch tiếp tục lây truyền qua nhiều chu kỳ, có chuỗi lây nhiễm ghi nhận vòng lây 4-5 chu kỳ (tức F4, F5 thành F0). Cụ thể, hai chuỗi ghi nhận bệnh nhân lây nhiễm đến vòng thứ 5 nêu trên. Chuỗi lây nhiễm đến vòng 4, liên quan "bệnh nhân 6427", Trường Mầm non song ngữ Kid Town. Các chuỗi lây nhiễm đến vòng 3, liên quan ca 6289 (khu nhà trọ ở hẻm 80 Dương Quảng Hàm, phường 5, Gò Vấp), 6301 (công ty Thiên Tú FN), 6424, 6787 (Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS).

Theo giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, chùm ca bệnh liên quan nhóm truyền giáo Phục hưng lớn nhất từ trước đến nay tại thành phố, phát hiện từ ngày 26/5.

Ổ dịch này bùng phát mạnh, lây lan nhanh trong thời gian qua do phát tán, lây lan nhanh từ sinh hoạt tôn giáo tổ chức trong môi trường chật hẹp, tập trung nhiều người và tiếp xúc gần nhưng không có biện pháp phòng hộ cá nhân. Dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài, kể từ ngày 16/5 khi thành viên đầu tiên có triệu chứng cho đến ngày 26/5 mới được phát hiện mắc bệnh.

Nhiều ca bệnh làm việc trong văn phòng, tòa nhà công ty, là môi trường kín, thông khí kém, mật độ tập trung cao. Chuỗi lây có nhiều bệnh nhân nhất liên quan đến một công ty ở Tân Bình với số lượng ca nhiễm đã tăng lên đến 91 trường hợp.

Ngoài ra, chủng virus gây bệnh lần này là chủng Ấn Độ có đặc tính lây lan mạnh. Công tác điều tra dịch tễ để khoanh vùng dập dịch gặp khó khăn, kéo dài do số lượng thành viên hội giáo nhiều, khó tiếp xúc và khai báo chưa đầy đủ từ ban đầu. Số lượng ca bệnh bị lây nhiễm nhiều và nhanh, trải rộng 21/22 địa phương (ngoại trừ huyện Cần Giờ).

Sau 7 ngày áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố, số ca nhiễm phát hiện hàng ngày đang có dấu hiệu giảm dần, phần lớn phát hiện trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa. Từ ngày 4/6 đến nay, tỷ lệ ca nhiễm từ khu cách ly, khu phong tỏa có xu hướng gia tăng.

"Điều này cho thấy các chuỗi lây nhiễm đã từng bước được khống chế", ông Bỉnh nhận định. TP HCM kỳ vọng khống chế dịch sau 15 ngày giãn cách.

Từ ngày 18/5 đến tối 8/6, TP HCM ghi nhận ca 461 Covid-19 cộng đồng, hiện vượt Hà Nội, đứng thứ 3 cả nước về số ca Covid-19 cộng đồng trong đợt dịch này, phần lớn các ca liên quan nhóm truyền giáo Phục hưng.

HCDC khuyến cáo người dân trung thực trong khai báo y tế khi đi khám bệnh, tuân thủ quy định khu thực hiện cách ly tại nhà, cách ly tập trung, luôn nhớ thực hiện 5K khi ra khỏi nhà.

Chốt kiểm soát Covid-19 trên đường Nguyễn Kiệm ở quận Gò Vấp, ngày 3/6. Ảnh: Quỳnh Trần.