Chị H. sinh bé gái nặng 2,2kg - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Tin từ bệnh viện cho biết người mẹ là L.T.M.H. (24 tuổi, Tiền Giang). Chị ở trọ một mình tại TP.HCM, khi đột ngột đau bụng dữ dội, chị không kịp báo cho người nhà. Sau 10 phút, chị H. đã sinh con tại nhà. 

Sau đó, chị cầu cứu người quanh dãy trọ hỗ trợ gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện. Đội ngũ y bác sĩ khoa cấp cứu phối hợp với êkíp trực khoa sản Bệnh viện quận 2 tức tốc điều xe cấp cứu lên đường, đồng thời đi cả xe gắn máy để tiếp cận nhà chị H. nhanh nhất.

Do nhà sản phụ ở nằm sâu bên trong con hẻm nhỏ, xe cấp cứu không thể vào tận nơi, các y bác sĩ đã đi xe máy vào cấp cứu cho sản phụ, cắt dây rốn, giữ ấm rồi đưa cả hai mẹ con tới bệnh viện. 

Chị H. kể dự sinh còn khoảng hơn 10 ngày, chị cũng thường xuyên theo dõi thai kỳ, nhưng lại bất ngờ sinh sớm hơn ngày dự kiến và sinh trong hoàn cảnh hi hữu như thế.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, khi mang thai người mẹ nên tuân thủ lịch khám thai, siêu âm kiểm tra, làm các xét nghiệm cần thiết trong quá trình mang thai.

Thường số lần khám trong thai kỳ khoản 8 lần khám thai (từ thứ 3 đến tuần thứ 37) và 5 lần siêu âm. Nhưng theo lịch của một số bệnh viện lớn, người mẹ đi khám thai tổng cộng khoảng 14 lần tùy theo điều kiện cụ thể, quá trình theo dõi thai kỳ và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Tùy vào sự phát triển của thai nhi, sức khỏe của mẹ bầu, thai phụ chỉ cần đi khám theo lịch những cột mốc quan trọng, hoặc theo yêu cầu trực tiếp của bác sĩ sản khoa, tuân thủ lời dặn bác sĩ chuyên khoa, thông báo thường xuyên tình trạng thai kỳ cho bác sĩ mỗi lần tái khám, tránh những trường hợp sinh “rớt” như trên làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ và bé.