Trong thai kỳ, mẹ bầu thường phải kiêng khem nhiều thực phẩm khác nhau để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Cũng giống như nhiều loại trái cây khác, dứa cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng thiết yếu nhưng thuộc loại hoa quả “nóng” dễ làm tăng thân nhiệt của bà bầu.

Bà bầu ăn dứa gây say thai hay dễ đẻ?

BSCKI. Dương Ngọc Vân - Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, dứa có chứa bromelain. Trên thực tế, các mẹ bầu thường được khuyến cáo không nên bổ sung viên uống bromelain vì nó có thể gây xuất huyết bất thường. Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều người nghi ngờ rằng dứa có thể gây sảy thai. Tuy nhiên, lượng bromelain trong một quả dứa rất thấp và không đủ để làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.

Trừ trường hợp mẹ bầu ăn quá nhiều dứa (từ 7 đến 10 quả dứa cùng một lúc) thì mới có thể gây tác động xấu đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi nhưng điều này rất khó xảy ra.

“Bà bầu hoàn n có thể ăn dứa nhưng chỉ ăn với một mức độ vừa phải từ ½ đến 1 quả”, bác sĩ Vân cho hay.

Bà bầu nên ăn dứa với mức độ vừa phải (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dứa là một loại quả có chứa nhiều vitamin và các dưỡng chất, đặc biệt với mẹ bầu, ăn dứa mang lại một số lợi ích sức khỏe như:

- Vitamin C trong dứa có tác dụng rất tốt giúp mẹ bầu tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật và chứa các hợp chất chống oxy hóa giúp làn da của mẹ bầu đẹp hơn, khỏe hơn.

- Mangan: Đây là loại khoáng chất rất tốt cho sức khỏe mẹ bầu và có nhiều trong dứa.

- Đồng: Có tác dụng hỗ trợ quá trình tạo tế bào máu và có nhiều chức năng quan trọng khác trong cơ thể.

- Vitamin B9 có nhiều trong dứa rất tốt cho sự tăng trưởng mô vì thế rất tốt với mẹ bầu.

- Hỗ trợ giảm các triệu chứng ốm nghén ở mẹ bầu. 

Bà bầu cần lưu ý những gì khi ăn dứa?

Theo nữ bác sĩ, ăn dứa với một lượng vừa phải, cơ thể của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu ăn một lượng dứa quá lớn cùng lúc, mẹ bầu sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi.

Bên cạnh đó, với những trường hợp mẹ bầu có tiền sử bệnh về đường tiêu hóa, dạ dày nhạy cảm, nếu ăn quá nhiều dứa có thể dẫn tới tình trạng trào ngược axit, ợ nóng. Nếu mẹ bầu đang trong giai đoạn ốm nghén mà ăn quá nhiều loại quả này thì những triệu chứng ợ nóng, đầy hơi, buồn nôn,… sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Dứa là loại quả chứa nhiều vitamin và dưỡng chất nhưng cần dung nạp vào cơ thể một mức độ vừa phải (Ảnh minh họa)

Do đó, bác sĩ sản khoa khuyến cáo mẹ bầu khi ăn dứa cần lưu ý những điều sau:

+ Chỉ nên ăn lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều để tránh gây hại đến sức khỏe của mẹ bầu, chẳng hạn như tình trạng ợ nóng, dị ứng, phát ban và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, nguy hiểm nhất là tình trạng sinh non, sảy thai.

+ Chỉ nên ăn dứa chín và không nên ăn dứa xanh: Khi còn xanh, dứa rất dễ gây ngộ độc. Chính vì thế, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, mẹ bầu nên chọn những quá dứa chín vàng.

+ Nếu đang đói, mẹ bầu đừng nên ăn dứa để tránh tình trạng đầy hơi, khó chịu, nóng rát, nhất là đối với những mẹ bầu mắc một số bệnh lý về dạ dày.

+ Trong vòng 3 tháng đầu, mẹ bầu không nên ăn dứa để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể nhai một miếng dứa nhỏ để giảm các triệu chứng ốm nghen.

+ Nếu mẹ bầu thích ăn dứa thì nên mua cả quả về để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không nên mua dứa đã gọt sẵn ở ngoài chợ. Nên chọn những quả dứa vừa phải, không quá nhỏ cũng không quá to, chín vàng đều, mắt to và không bị dập hoặc sâu. Trước khi ăn dứa, chị em cần lưu ý rửa sạch dứa và lau khô. Sau đó dùng dao sắc để loại bỏ hoàn toàn phần mắt dứa và lưu ý cắt bỏ lõi để phòng tránh nguy cơ ngộ độc.

Ngoài ra, bác sĩ Vân nhắn nhủ, trong thai kỳ, mẹ bầu cũng nên bổ sung đa dạng thực phẩm để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ dưỡng chất, giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh. Chị em có thể bổ sung vào chế độ ăn một số loại trái cây như cam, táo, xoài, đỗ xanh, rau bina, khoai lang,….