Liên quan đến clip bé 3 tuổi nghi bị cha dượng bạo hành, ép hút ma túy đá gây xôn xao dư luận, Công an huyện Hóc Môn (TP HCM) đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ tạm giữ hình sự Lê Văn Bậm (44 tuổi) và Nguyễn Thảo Nguyên (23 tuổi, ngụ quận Tân Bình).

Theo thông tin từ PLO, Bậm chính là người đàn ông xăm trổ trong các clip lan truyền trên mạng xã hội về nội dung bạo hành, ép bé TNAT (3 tuổi) hút chất nghi ma túy trước sự chứng kiến và quay clip của Nguyễn Thảo Nguyên (mẹ đẻ bé T).

Bước đầu cả hai khai nhận vụ việc chỉ là do đùa giỡn chứ không có ý định làm hại gì đến bé. Nguyên cho rằng bé là con ruột của mình, không cố ý làm tổn thương con và mong muốn bé không bị tách khỏi mẹ.

Trước đó, một tài khoản Facebook đăng bài viết "Mong mọi người chia sẻ giúp để công an vào cuộc cứu đứa bé…". Kèm theo nội dung đăng là một số bức ảnh cùng 4-5 đoạn clip ghi cảnh bé trai khoảng 3 tuổi bị người đàn ông cho hút chất nghi là ma túy đá.

Cùng thời điểm, ông Trần Minh Tài (SN 1993, ngụ quận Tân Bình) đến cơ quan công an trình báo, khẳng định mình là cha của cháu bé trong clip. Ông Tài kể, năm 2018 ông kết hôn với Nguyên và có 2 người con, trong đó có bé trai trong clip (là bé T, SN 2020).

Năm 2021, hai vợ chồng mâu thuẫn, Nguyên đưa 2 bé đi và sống như vợ chồng với Bậm. Tháng 12/2022, ông Tài đến đưa con gái (SN 2018) về nuôi, còn bé T vẫn sống với mẹ.

Tháng 3/2023, ông mượn địa chỉ Facebook của Nguyên để bán hàng. Đăng nhập vào, ông phát hiện các hình ảnh, clip ghi cảnh Nguyên và người tình cho bé T sử dụng nghi là ma túy. Tối 24/3, ông Tài đăng clip và các hình ảnh đó lên Facebook, đồng thời nhờ người khác chia sẻ thêm.

Khai báo với cơ quan công an, ông Tài cho biết bức xúc trước cảnh vợ cũ cùng người tình hành hạ con mình nên kêu cứu mong cơ quan chức năng xử lý.

Hình ảnh được cắt từ video lan truyền trên mạng xã hội

Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ, cưỡng ép trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi không thể chấp nhận được. Trên thực tế, hiện tượng ép buộc trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy rất hiếm xảy ra. Bởi lẽ, người trưởng thành, đặc biệt là người nghiện ma túy thường sẽ nhận thức rất rõ nguy hại của nó đối với sức khỏe con người. Đặc biệt, đối với trẻ em thì tác hại của ma túy còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Hành vi cưỡng ép trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy là không thể tha thứ, mất tính người, vi phạm pháp luật hình sự đến mức phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Đối tượng ép buộc trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy sẽ phải đối mặt với hình phạt tới 20 năm tù.

Thông qua đoạn clip cho thấy, có người đàn ông xăm mình, dọa nạt, ép buộc cháu bé còn rất nhỏ tuổi sử dụng vật dụng nghi là sử dụng ma túy là một vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cho dù đây không phải là hành vi ép buộc trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy thì hành vi ép buộc trẻ em như vậy cũng là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu bạo hành trẻ em và sẽ bị xử lý bằng chế tài nghiêm khắc của pháp luật về tội "Hành hạ người khác" theo quy định tại Điều 140 (BLHS 2015).

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy đối tượng này đã cưỡng bức, ép buộc cháu bé còn rất nhỏ tuổi sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy" và hình phạt có thể tới 20 năm tù theo Điều 257 (BLHS 2015).

Trẻ em là đối tượng đặc biệt, được nhà nước quan tâm và có những quy định pháp luật đặc biệt để bảo vệ. Theo quy định của pháp luật, trẻ em là người dưới 16 tuổi, đây là tuổi còn chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, đang trong quá trình hình thành nhân cách. Việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các quy định của Luật trẻ em, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em...

Luật trẻ em nghiêm cấm mọi hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em, nghiêm cấm các hành vi mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất gây nghiện khác. Khoản 9 (Điều 6, Luật Trẻ em năm 2016) quy định các hành vi bị cấm: "Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em".

Tiến sĩ Đặng Văn Cưởng- Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khẳng định, cưỡng ép trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi không thể chấp nhận

Cùng theo Tiến sĩ Cường, người mẹ của cháu bé cũng rất đáng trách và có thể liên đới chịu trách nhiệm trong vụ này. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ mẹ cháu bé có biết sự việc này; có tham gia ép cháu sử dụng trái phép chất ma túy hay không để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy, người mẹ không trực tiếp thực hiện hành vi ép buộc cháu bé sử dụng trái phép chất ma túy nhưng đã có hành vi giúp sức, xúi giục hoặc chỉ đạo người tình thực hiện hành vi trên thì sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm.

Đây là một vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào kết quả xác minh, căn cứ vào các quy định của pháp luật, dù vụ việc có được giải quyết theo hướng nào chăng nữa thì rõ ràng cháu bé đang có dấu hiệu bị bạo hành, không đảm bảo an toàn về sức khỏe, có thể bị xâm phạm đến tính mạng. Bởi vậy, người cha của cháu bé có thể đề nghị thay đổi người nuôi con sau ly hôn (nếu có).

Đồng thời cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp can thiệp kịp thời để đảm bảo an toàn cho cháu bé.

Vụ việc lại một lần nữa cho thấy trẻ em có nguy cơ bị bảo hành, bị xâm hại bất kỳ nơi đâu kể cả trong trường hợp vẫn đang trong sự quản lý, giáo dục của cha mẹ. Nếu những người làm cha, làm mẹ mà thiếu trách nhiệm, có lối sống buông thả thì những đứa trẻ luôn có nguy cơ bị bạo hành, bị xâm hại, bị đối xử tàn nhẫn và tính mạng.

Ngoài việc xem xét xử lý đối với các đối tượng vi phạm thì các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Kịp thời phát hiện ra các đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với những người cha, người mẹ là người nghiện ma túy, những người có lối sống sa đọa, vi phạm pháp luật thì có thể hạn chế quyền nuôi con để trẻ em được quyền sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh, có điều kiện phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần và điều kiện học tập phải đảm bảo quyền trẻ em được thực thi trên thực tế.

Điều 257. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy

  1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác để buộc họ phải sử dụng trái phép chất ma túy trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

...............

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
  2. c) Đối với người dưới 13 tuổi.