Đau mỏi chân tay – Triệu chứng không của riêng ai

Tay chân đau nhức là tình trạng rối loạn cơ bắp và mô mềm ở xung quanh gân, dây chằng. Về lâu dài, điều này làm cho dây thần kinh bị tổn thương và gây ra các cơn đau nhức (âm ỉ hoặc dữ dội), tê mỏi, sưng cứng và có cảm giác kiến bò trong xương khớp.

Đau nhức chân tay thường xuất hiện khi thay đổi thời tiết, vào ban đêm hoặc lúc sáng mới ngủ dậy. Những cơn đau nhói đầy khó chịu làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Đau nhức chân tay là bệnh gì?

Đau nhức các khớp tay chân có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng hoặc thói quen sinh hoạt không tốt như:

Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp khiến cho các khớp bị biến dạng, sưng cứng, tay chân đau nhức và gây ra nhiều khó khăn khi vận động. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể mất khả năng lao động hoặc bị tàn phế.

Các bệnh lý chèn ép dây thần kinh cột sống: Những bệnh lý về thần kinh cột sống như hẹp cột sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa khiến cho sụn khớp bị bào mòn, hư hỏng. Từ đó, chèn ép dây thần kinh và gây nên hiện tượng sưng viêm, đau nhức chân tay khi thay đổi thời tiết.

Viêm đa rễ thần kinh: Bệnh viêm đa rễ thần kinh là tình trạng viêm và tổn thương bao Myelin, gây đau nhức các khớp tay chân, yếu cơ, liệt vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn thần kinh thực vật,…

Hội chứng ống cổ tay: Hội chứng ống cổ tay là hiện tượng dây thần kinh giữa bị chèn ép, làm đau mỏi chân tay kèm theo tê bì, ngứa ran, sưng phồng, yếu cơ, chuột rút và khó khăn khi cầm nắm đồ vật.

Đa xơ cứng: Bao Myelin bị hư tổn do hệ thống tự miễn gặp trục trặc, tấn công vào hệ thần kinh trung ương và gây đau nhức khớp chân tay cùng với tê ngứa, nóng ran, châm chích, sinh hoạt hạn chế, thị lực gặp vấn đề.

Bệnh động mạch ngoại biên (PAD): Bệnh động mạch ngoại biên là sự tổn thương ở nhiều đoạn động mạch, làm cho các chi hoặc cơ quan bị thiếu máu. Người mắc phải bệnh này sẽ bị đau nhức chân tay, tê bì, yếu cơ, nhức mỏi và hạn chế khả năng vận động.

Bệnh tiểu đường: Lượng cholesterol tăng cao có thể hình thành nên các mảng xơ vữa, làm mạch máu lưu thông đến tay và chân bị tắc nghẽn, khiến cho người mệt mỏi chân tay đau nhức.

Cúm hoặc bệnh lý nhiễm trùng khác: Khi bị cúm hoặc các bệnh lý nhiễm trùng khác, virus tấn công vào cơ thể, làm cho người bệnh bị nghẹt mũi, sốt và đau nhức khớp tay chân.

Bệnh gút: Người bị bệnh gút do cơ thể tiêu thụ quá nhiều đạm có thể gây ra tình trạng sưng nóng, tay chân đau nhức, đồng thời kèm theo triệu chứng sốt, đau đầu và người mệt mỏi.

Suy giãn tĩnh mạch: Bệnh suy giãn tĩnh mạch là hiện tượng tĩnh mạch chịu áp lực lớn, dẫn đến sưng phù, chuột rút, tê mỏi, nóng rát và đau nhức các khớp tay chân.

Ai thường bị nhức mỏi tay chân?

Hầu hết mọi người đều gặp phải tình trạng đau nhức tay chân ít nhất một lần trong đời. Đối với 5 nhóm đối tượng sau thì nguy cơ mắc phải cao hơn rất nhiều so với người bình thường:

Người cao tuổi: Càng lớn tuổi thì chất lượng của xương càng  giảm, sụn khớp bị mòn và mất đi tính linh hoạt. Vì thế ở độ tuổi từ sau 50, người già hay cảm thấy đau nhức chân tay, khó khăn khi cử động và đi lại hằng ngày.

Bệnh nhân rối loạn chuyển hóa: Người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, mỡ máu cao là đối tượng dễ bị tê bì, nhức mỏi chân tay. Nguyên nhân là do tình trạng tổn thương vi mạch trong cơ thể khiến lượng máu cung cấp nuôi dưỡng dây thần kinh bị thiếu hụt. Điều này dẫn đến biểu hiện ban đầu là rối loạn co thắt mạch máu, khi co thắt dẫn đến thiếu máu, làm tê mỏi tay chân. Nhưng càng về sau, nếu không được điều trị sớm thì triệu chứng càng trở nên nặng hơn, khiến mạch máu hẹp lại, tắc mạch gây ra hiện tượng teo cơ, trợt loét.

Phụ nữ sau sinh: Nhức mỏi tay chân sau sinh là tình trạng phổ biến ở sản phụ hiện nay. Ngoài đau buốt, tay chân của mẹ còn thi thoảng bị tê cứng, châm chích và chuột rút. Sau đó, cơn đau lan đến khu vực như mông, đùi hoặc thắt lưng, không chỉ gây khó chịu cho người mẹ, mà còn cản trở quá trình chăm sóc bé.

Người lao động nặng nhọc, người bị chấn thương do chơi thể thao hoặc tai nạn: Tê bì, đau nhức chân tay có thể xảy ra ở người lao động nặng nhọc như: thường xuyên khuân vác, mang xách đồ quá tải; chạy xe gắn máy liên tục nhiều giờ mỗi ngày; người cầm nắm thiết bị rung nặng nề như cầm khoan cắt bê tông, lái máy cày; người bị chấn thương trong lúc tập luyện thể thao hoặc gặp phải tai nạn giao thông.

Nhân viên văn phòng: Do tính chất công việc thường xuyên ngồi một chỗ trong thời gian dài, nên nhân viên văn phòng dễ bị đau nhức cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân. Nặng hơn là đau cổ và lưng hơn nhiều so với người bình thường.