Các chuyên gia của Đại học New York, Trung tâm Gene New York và Bệnh viện Mount Sinai, Mỹ, đã phát hiện nguyên nhân khiến các biến chủng virus mới lây lan nhanh hơn. Đó chính là đột biến D614G. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí eLife.

Đột biến quen thuộc trong nhiều biến chủng

Đây không phải là lần đầu tiên giới khoa học chú ý tới đột biến D614G. Đột biến này cũng xuất hiện trong chủng SARS-CoV-2 gây ra hàng loạt ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng, Việt Nam, vào tháng 7 vừa qua.

D614G là đột biến lần đầu được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, đây không phải là dạng đột biến đầu tiên của chủng virus phức tạp này.

Một nghiên cứu của Đại học Bologna, Italy công bố hồi tháng 7/2020 phát hiện SARS-CoV-2 tồn tại ít 6 đột biến khi gây ra đợt bùng phát đại dịch Covid-19 thứ nhất. Đột biến chủng S là loại đầu tiên xuất hiện, được cho là đã khởi phát vào đầu 2020, trong khi biến chủng G nhiều khả năng xuất hiện từ giữa tháng 1/2020.

Đột biến D614G là một trong những thể virus có mức độ ảnh hưởng mạnh nhất trong dại dịch Covid-19, chiếm khoảng 70% trong số khoảng 50.000 bộ gen được lưu trữ trong hệ cơ sở dữ liệu về các chủng đột biến của virus. Ban đầu, D614G được phát hiện chủ yếu ở châu Âu và Mỹ, nhưng kể từ tháng 3, biến chủng này bắt đầu đổ bộ ở khu vực châu Á.

Thánng 6/2020, các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu Scripps, Mỹ cũng phát hiện biến chủng G này có khả năng lây nhiễm cao hơn 10 lần so với chủng ban đầu vì protein đột biến của nó ít bị phá vỡ hơn.

Đột biến thể G trong biến chủng virus nCoV mới khiến chúng lây lan nhanh hơn gấp 8 lần so với chủng cũ. Ảnh: Getty.

Theo Giáo sư thần kinh học Neville Sanjana, Đại học New York, nhóm đã theo dõi đột biến D614G từ lâu. Gần đây, họ nhận ra nó ngày càng quan trọng, phổ biến đến mức gần như xuất hiện trong mọi biến chủng virus cũ và mới.

“Việc xác định đột biến là yếu tố dẫn đến khả năng lây truyền cao hơn của các biến chủng virus có thể giúp lý giải phần nào nguyên nhân SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng ra toàn cầu trong năm qua”, vị chuyên gia này nói.

D614G là đột biến có tác động tới phần gai protein trên virus - bộ phận giúp mầm bệnh xâm nhập vào tế bào người. Nó còn có tên gọi “đột biến G”, được cho là xuất hiện vào đầu năm 2020. Theo các chuyên gia Mỹ, D614G hiện là đột biến phổ biến nhất trong các mẫu bệnh phẩm trên thế giới. Đặc biệt, đa số giải trình tự gene của ca mắc Covid-19 tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia trên toàn cầu đều có sự xuất hiện của đột biến này.

Đột biến giúp virus tăng khả năng lây lan gấp 8 lần

Theo Eurekalert, để tìm hiểu sự phát triển của D614G, nhóm nghiên cứu đã đưa virus chứa đột biến này vào tế bào phổi, gan và ruột của con người. Họ cũng đưa phiên bản hoang dã của SARS-CoV-2, không có đột biến vào cùng các tế bào nói trên để so sánh. Đây là phiên bản virus nguyên sơ nhất, được phát hiện sớm trong đại dịch.

Qua đây, nhóm chuyên gia phát hiện D614G đã tăng khả năng lây truyền của virus lên 8 lần so với chủng ban đầu. Nhóm cũng nhận thấy đột biến protein khiến virus có khả năng chống lại việc bị phân tách bởi các protein khác.

Điều này giúp giới chuyên gia phần nào giải thích được vì sao các biến chủng mới có khả năng lây nhiễm cao hơn, có khả năng chống chọi tốt hơn với các protein trong hệ thống miễn dịch của con người.

Nhà nghiên cứu Tristan Jordan, tại TenOever Lab, Bệnh viện Mount Sinai, cho biết kết quả trên giúp họ đánh giá nhanh chóng và cụ thể vai trò của D614G cũng như các đột biến khác với mức độ lây lan ngày càng nhanh của SARS-CoV-2. Một thành viên khác của dự án là tiến sĩ Zharko Daniloski đánh giá D614G rõ ràng đã cho thấy vai trò của nó trong việc giúp biến chủng virus lây nhiễm vào tế bào người hiệu quả hơn.

Phát hiện trên của nhóm nghiên cứu được nhiều chuyên gia khác trên thế giới đồng tình. Họ đều chung nhận định khi cho rằng biến chủng D461G giúp virus có ưu thế hơn, khả năng lây nhiễm cao. Điều này cũng từng được chứng minh trong các nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Cell của nhóm chuyên gia tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, Mỹ. Công trình của nhóm học giả tại Đại học North Carolina trên tạp chí Nature cũng có kết quả tương tự.

Tuy nhiên, câu hỏi mà giới chuyên gia chưa thể xác định đó là biến chủng virus mới với đột biến D641G có ảnh hưởng gì tới tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Nói cách khác, D641G có khiến người mắc Covid-19 nghiêm trọng hơn hay không. Một số nghiên cứu trước đây từng cho thấy đột biến D614G không liên quan các ca bệnh Covid-19 nặng.

Điểm đáng lo là các nhà nghiên cứu lưu ý sự phát triển của đột biến D614G có thể ảnh hưởng tác dụng của vaccine. Các vaccine mà FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp cũng như những sản phẩm khác được tạo ra bằng cách sử dụng trình tự tăng đột biến ban đầu của nCoV.

Nhóm tác giả đang tiếp tục đánh giá liệu các vaccine hiện nay có thể bảo vệ con người trước những biến chủng virus mới từ Anh, Nam Phi và Brazil hay không. Đây đều là những biến chủng vốn chứa đột biến D614G.

Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 770 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, các bệnh nhân ở nước ta đã mắc nhiều biến chủng như B117 (Anh) và A.23.1 từ Rwanda. Bên cạnh đó, một chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam nhiễm biến chủng B1351 (Nam Phi).

Để phòng bệnh, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế.

Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới" sẽ cung cấp nghiên cứu mới của các nhà khoa học trên thế giới và thông tin từ chuyên gia, bác sĩ trong nước để giúp người dân có biện pháp phòng bệnh an toàn.