Tôi hay hỏi chồng như thế. Anh thì cứ cười xòa “không thương nhiều mà cưới, mà kính biếu cả cuộc đời tôi cho em à?”. “Biết thương rồi, nhưng anh thương em bao nhiêu so với… người cũ?”. “À… nội dung chính là đây. Nói chung là thương bằng 65kg cân nặng của anh, được chưa?”.

Ảnh minh họa: Internet

Tôi không vô lý mà hỏi thế. Vì chồng và người cũ có đến 10 năm gắn bó với con cái, nhà cửa, yêu thương, giận hờn… biết bao kỷ niệm. Còn tôi và chồng chỉ vỏn vẹn ba tháng kể từ ngày nói lời thương đến ngày cưới thì… tôi lo tình mình không có độ dày, kỷ niệm thì mỏng lét, sợ chồng thương mình vì cả nể mà thôi.

Bởi tôi và chồng từng là bạn học, cũng là hàng xóm. 

Ba năm cấp III, chồng là lớp trưởng, tôi là bí thư chi đoàn. Hai vị trí công việc đó thường đi đôi với nhau, huống chi chồng vốn là một lớp trưởng hiền lành, còn tôi là một bí thư “miệng bằng tay, tay bằng miệng”. Tôi thương anh bạn năm 2004 mà còn đến trường bằng xe đạp, đến lớp với lưng áo mướt mồ hôi và gương mặt thất thần vì đói. Vậy là bao nhiêu bánh mì, bánh tiêu, cóc, ổi, me, mía… mua phần mình ăn vặt, tôi đều dúi vào cặp chàng.

Những chương trình “Áo mới tặng bạn nghèo”; “Học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”… tôi luôn đề xuất tên lớp trưởng. Chả là bạn vắng cha, vì ông đã ngã lòng với người đàn bà khác, sau khi vợ sinh đứa con thứ ba và tai biến sản khoa.

Rồi ba năm cao đẳng sư phạm, chúng tôi lại học chung. Ra trường, lớp trưởng theo nghiệp phấn trắng bảng đen và về vùng sâu dạy học. Tôi không chịu được khó khổ nên nhảy ra làm linh tinh hết hai năm, rồi học được tấm bằng kế toán. 

Rồi lớp trưởng lấy vợ. Môn văn cấp II không thể dạy kèm ở vùng sâu vùng xa nên nghe đâu cuộc sống của chàng khá khó khăn. Sự nghèo nàn đã dần bào mòn tình cảm khi hai con lần lượt ra đời với gánh nặng mưu sinh chồng chất. Khi đã hết nợ duyên, anh và vợ ly hôn. Vợ anh dắt cô con gái lên ba đi biền biệt. 

Ảnh minh họa: Internet

Sau đó, lớp trưởng chuyển công tác về gần nhà để tiện nhờ bà nội chăm sóc cậu con trai lên tám. Chúng tôi lại gặp nhau thường xuyên như hồi mười năm trước, để ngày ngày đi cùng con hẻm, anh lại trêu tôi “bà bí thư già, tôi mài răng chờ ăn cưới bà cả chục năm nay đó nha”. “Thôi đi ông, tui ở vậy cho đàn ông ế chơi, tội gì lấy chồng cho mệt”.

Nhà chúng tôi chỉ cách nhau có vài chục mét. Có rau ngót, mồng tơi gì tôi cũng hay mang sang cho bé Giàu bởi thằng bé rất đáng yêu, cứ canh me chiều chiều nhà cô Ngọc mở cửa là chạy ù qua tưới rau, tỉa lá cho khu vườn bé nhỏ trước sân nhà tôi.

Có những bữa hai cô cháu ăn cơm chung vì ba đi dạy về trễ, bà nội mệt không nấu ăn được. Thằng bé liến thoắng rằng cô nấu ăn ngon tuyệt, canh mồng tơi mà cô nấu ngọt như thịt bằm, trứng gà mà cô chiên ngon như sườn ram. Tôi nhìn khuôn miệng xinh xinh đó mà thầm ước ao… 

Một ngày, mẹ bảo tôi ngồi cho mẹ nói chuyện, giọng nghiêm trang của mẹ làm tôi choáng: 

- Thím Hậu, mẹ thằng Sang ngỏ lời hỏi mẹ con có người nào chưa. Nếu chưa, bà xin cưới con cho ba thằng Giàu.

- Hả?... con… con… không nghĩ là con sẽ lấy chồng ở tuổi 36 đâu. Ế rồi, ở vậy cho mẹ nhờ.

- Bậy bạ. Đó là do duyên chưa tới. Giờ tới rồi ưng đi con, đàn bà có một thời… Mà thằng Sang với con cũng là bạn tốt.

- Nhưng… sao Sang không nói gì với con?

- À há! Vụ này để mẹ hỏi nó coi!

Vậy là tôi lấy chồng. Không biết cảm giác yêu thương đến “chết đi sống lại”, hay nhớ nhung quay quắt đến bỏ ăn bỏ ngủ khi xa nhau là thế nào. Tôi khoác tay chồng mà nghe lòng bình yên rất lạ. “Gì cười hoài vậy? Nhờ tui chống ế cho bà nên khoái quá cười hoài hả?”, gã chồng cà khịa trêu tôi. “Không, tôi cười vì cuối cùng mình đã làm được việc thiện là cứu rỗi đời ông khỏi mang tiếng sứt tay gãy gọng”. Cả hai nhìn nhau cười nắc nẻ.

Sang rất quan tâm gia đình, hết giờ lên lớp là về ngay chứ không bia bọt như trước. Bếp núc, nhà cửa, sân vườn gì anh cũng dọn dẹp gọn hơ, nấu nướng ngon lành.

Công việc kế toán doanh nghiệp khiến tôi nhiều khi phải đi tiếp khách và bia bọt. Về đến nhà mềm oặt vì men, chồng lại dịu dàng tháo giày, cất túi xong thì giúp vợ vệ sinh rồi pha nước sắn dây cho vợ. Tôi ói, chồng lại phải thay drap giường, lau nhà, nấu cháo…

“Hồi nào sao không biết, giờ có chồng rồi, còn phải sinh nở nữa. Em bớt đi tiếp khách được không? Chứ mỗi lần em đi là anh với bé Giàu lo lắm, sợ em say rồi lái xe không an toàn, sợ bia rượu không tốt cho sức khỏe phụ nữ…”. Chồng ôm tôi trong vòng tay rắn rỏi thủ thỉ. 

Tôi biết chồng rất thương mình, như thương bản thân anh.