Thông tin tại cuộc họp ứng phó bão số 2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 10/8, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão đang duy trì sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Theo chuyên gia, mô hình dự báo của các đài khí tượng quốc tế và Việt Nam có sự tương đồng khi cho rằng bão khả năng chuyển hướng tây tây bắc quét qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) hôm nay. Sau đó hình thái này đi vào vịnh Bắc Bộ.

Về cường độ, cơ quan khí tượng Nhật Bản cho rằng bão chỉ duy trì cấp 8 đến khi suy yếu. Trong khi đó, mô hình dự báo của Trung Quốc nhận định bão có thể đạt cực đại đến đầu cấp 10, còn cơ quan khí tượng Hong Kong dự báo hình thái này mạnh đến cấp 9.

Nhận định của cơ quan khí tượng Việt Nam cho thấy bão đang mạnh lên và có thể đạt cường độ đến cấp 9 trên vùng biển phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Sáng 11/8, khi vào vùng biển phía tây bắc vịnh Bắc Bộ, cường độ bão giảm đi một cấp, duy trì sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.

Lúc này, tâm bão cách khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 70 km về phía nam, cách Hải Phòng 110 km về phía đông, cách Thái Bình 150 km về phía đông đông bắc.

Bản đồ dự báo đường đi cho thấy bão số 2 hướng thẳng vào vịnh Bắc Bộ sau đó di chuyển vào đất liền miền Bắc. Ảnh: VNDMS.

Chuyên gia cảnh báo từ đêm nay (10/8) đến sáng mai, khu vực ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ngày 11/8, ven biển các địa phương từ Quảng Ninh đến Nam Định đề phòng sóng lớn kết hợp với triều cường gây ngập úng tại vùng trũng, thấp.

Đáng lưu ý, hoàn lưu bão khả năng gây ra đợt mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Mưa bắt đầu từ chiều tối 10/8 và kéo dài đến khoảng ngày 12/8 với lượng phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm.

Những ngày tới, các sông suối thuộc Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lên 3-5 m, hạ lưu 1-3 m. Khu vực vùng núi đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt cục bộ.

Chuyên gia cảnh báo thêm thủy triều ở khu vực Tây Nam Bộ đang cao, đồng thời gió mùa Tây Nam mạnh cấp 4-5 gây ra sóng cao 1,5-2 m. Sóng lớn kết hợp triều cường và nước dâng nguy cơ gây sạt lở đê biển khu vực Cà Mau với trọng tâm là huyện Trần Văn Thời.

Ông Mai Văn Khiêm cảnh báo nguy cơ về đợt mưa lớn ở miền Bắc do bão số 2. Ảnh: Đinh Đức.

Theo đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến sáng nay, đơn vị đã hướng dẫn cho hơn 52.200 tàu thuyền tương ứng gần 229.000 người chủ động di chuyển phòng tránh bão.

Hiện, các tàu nắm được thông tin về diễn biến bão và đã di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Về tình hình cứu nạn cứu hộ, đại tá Hưng cho biết ngày 9/8, các lực lượng cứu nạn đã tiếp cận, lai dắt 3 tàu bị nạn ở Quảng Bình về nơi an toàn. Đồng thời, lực lượng chức năng cứu được 9 ngư dân của 2 tàu bị chìm.

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết đơn vị đang liên hệ với cơ quan đại diện Trung Quốc và Đài Bắc tại Hà Nội để đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân và tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chánh Văn phòng Tổng cục Phòng chống thiên tai, đề nghị đơn vị chức năng các địa phương chú ý kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn, quản lý chặt chẽ tàu thuyền.

Đồng thời, địa phương xem xét thời gian cấm biển phù hợp với diễn biến của bão; đảm bảo an toàn cho người dân, du khách.