Trứng là một thực phẩm dinh dưỡng có một lượng lớn vitamin A, D, E, B1, B6, B12… Ngoài ra, còn phải kể đến canxi, mangiê, sắt và kẽm… Nguồn protein trong trứng rất dồi dào và các loại axit rất cần thiết cho hệ miễn dịch.

Riêng lòng trắng trứng có tác dụng chống lão hóa, tăng cường lực và độ dẻo dai cho cơ bắp. Chất lecithin trong trứng có tác dụng trong quá trình tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động của gan, hạn chế nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch do cholesterol gây ra.

Mặc dù lợi ích dinh dưỡng từ trứng rất nhiều nhưng việc sử dụng trứng như nào cũng sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số dinh dưỡng.

Dưới đây là 4 điều không nên làm khi ăn trứng:

Không ăn nhiều trứng chiên rán

Trứng rán là món ăn đơn giản và tiện lợi nhất mà chúng ta có thể nghĩ đến cho bữa sáng của mình. Dù vậy, chúng ta cũng nên nhớ rằng giá trị dinh dưỡng trong trứng rất cao, đặc biệt là các vitamin tan trong chất béo sẽ rất dễ bị đánh mất nếu dùng nhiệt độ cao để chiên rán.

Bên cạnh đó, nếu dùng thường xuyên món trứng rán trong dầu ở nhiệt độ cao, có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, điển hình như nguy cơ béo phì và ung thư.

Không ăn trứng lòng đào

Về mặt dinh dưỡng, trứng lòng đào và trứng chín hẳn đều mang giá trị như nhau. Dù chế biến kiểu lòng đào giúp bạn cảm nhận vị béo đặc trưng của trứng thì đây vẫn là cách ăn không thực sự an toàn cho sức khỏe.

Đặc biệt, trứng lòng đảo càng để lâu càng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella gây ngộ độc thực phẩm, nguy hiểm hơn có thể gây viêm dạ dày ruột cấp.

Không ăn lòng trắng, bỏ lòng đỏ

Trứng được cấu tạo hoàn hảo bởi hai phần lòng đỏ và lòng trắng. Nhưng nếu bạn chỉ chọn ăn một trong hai phần này sẽ làm mất cân bằng dinh dưỡng và làm mất vị ngon của món trứng. Cách ăn này hiện đang rất phổ biến, đặc biệt là những người mỡ máu cao hoặc sợ dung nạp nhiều cholesterol nên loại bỏ lòng đỏ.

Thực tế, hàm lượng cholesterol trong lòng đỏ trứng không cao như mọi người nghĩ. Cứ 100g lòng đỏ trứng chỉ chứa khoảng 200mg cholesterol. Do đó không cần thiết phải bỏ lòng đỏ khi ăn trứng.

Không ăn trứng để qua đêm

Không nên ăn trứng để qua đêm vì thời gian bảo quản trứng đã qua chế biến càng lâu càng làm hao hụt các chất dinh dưỡng. Đặc biệt khi bảo quản trứng trong nhiệt độ phòng thì tình trạng hư hỏng, nhiễm khuẩn bên trong trứng càng diễn ra nhanh hơn. Bạn sẽ có nguy cơ bị ngộ độc và ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng nếu ăn phải trứng đã hư hỏng.

Vì vậy, khi thấy trứng có mùi lạ, có dấu hiệu chảy nước hoặc màu của trứng thay đổi thì bạn không nên ăn. Cách giữ dinh dưỡng của trứng tốt nhất là luộc chín và ăn ngay.

Nên ăn bao nhiêu trứng/tuần để tốt cho sức khỏe

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng trứng ăn trong một tuần còn tùy theo từng nhóm đối tượng:

- Trẻ em: Trẻ nên ăn trứng gà vì trứng vịt chậm tiêu hơn, sẽ làm cho trẻ no lâu.

Bé 0-6 tháng tuổi chỉ nên ăn 1/2 lòng trứng gà/bữa, ăn 1-2 lần/tuần. Bé 1-2 tuổi ăn 2 quả/tuần. Trẻ 2 tuổi trở lên có thể ăn 3 quả/tuần.

- Người lớn: Người lớn chỉ nên ăn 3-4 quả/tuần dù là trứng gà hoặc trứng vịt. Ăn quá nhiều cơ thể sẽ không hấp thu hết chất dinh dưỡng, khi bị đào thải ra ngoài sẽ rất lãng phí.

- Phụ nữ mang thai: Phụ nữ đang mang thai ăn nhiều trứng gà quá cũng không tốt, bởi nó sẽ gây ra những rắc rối về đường ruột. Cho nên người mang thai chỉ nên ăn nhiều nhất là 3 quả/tuần.