Ăn quả bơ có lợi gì cho người bệnh đái tháo đường?
1. Vai trò của chất béo đối với bệnh đái tháo đường
Kiểm soát carbohydrate thường được quan tâm nhất trong chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường nhưng việc tiêu thụ đúng loại chất béo cũng rất quan trọng, vì chất béo có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose và giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Chất béo trong chế độ ăn uống rất quan trọng giúp cung cấp năng lượng, duy trì sự phát triển của tế bào, ổn định huyết áp và giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng.
Có hai loại chất béo tốt và chất béo xấu. Chất béo xấu là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Tiêu thụ quá nhiều có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, đặc biệt là cholesterol xấu có hại cho tim mạch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác. Chất béo tốt là những loại chất béo lành mạnh giúp giảm mức cholesterol xấu và cung cấp chất dinh dưỡng mà cơ thể cần.
Nghiên cứu cho thấy, chất béo lành mạnh có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách cung cấp các lợi ích chống viêm và chống oxy hóa có thể giúp điều chỉnh sự trao đổi chất và phản ứng của cơ thể với insulin.
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, chất béo lành mạnh là những chất béo tốt cho sức khỏe, bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa.
Các loại chất béo này có trong các loại dầu như: dầu ô liu, dầu đậu phộng, dầu ngô, dầu đậu nành, dầu hướng dương; các loại cá như cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi, cá cơm…; các loại hạt, quả óc chó, quả bơ…
2. Lợi ích của quả bơ với người bệnh đái tháo đường
Theo phân tích thành phần dinh dưỡng của quả bơ cho thấy, không giống như hầu hết các loại trái cây khác, bơ không chứa đường cùng với hàm lượng natri thấp và không chứa cholesterol.
Một quả bơ cỡ vừa chứa khoảng:
- 240 calo
- 13g carbohydrate
- 3g protein
- 22g chất béo (15g chất béo không bão hòa đơn, 4g chất béo không bão hòa đa, 3g chất béo bão hòa)
- 10g chất xơ
- 11mg natri
Quả bơ là nguồn cung cấp chất xơ tốt và chứa nhiều chất béo (loại tốt) hơn carbohydrate, do đó nó rất phổ biến trong chế độ ăn ít carbohydrate phù hợp với bệnh đái tháo đường. Chất béo trong quả bơ là loại chất béo thân thiện với tim, không làm tăng cholesterol trong máu, giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Chất xơ
Chất xơ ngoài vai trò quan trọng là hỗ trợ tiêu hóa còn có tác dụng hỗ trợ điều trị và phòng ngừa các bệnh mạn tính như tim mạch, béo phì và đái tháo đường.
Khi chúng ta ăn chất xơ, cơ thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để phân hủy thức ăn. Điều này giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định hơn. Do đó các chuyên gia cho rằng, những người mắc bệnh đái tháo đường nên được cung cấp nhiều chất xơ hơn so với người bình thường để giúp kiểm soát kiểm soát lượng đường trong máu.
Với 10g chất xơ khi ăn một quả bơ sẽ bạn giúp tăng lượng chất xơ thông qua thực phẩm. Chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, ngăn ngừa tình trạng tăng đường huyết nhanh chóng sau bữa ăn.
Chất béo lành mạnh
Chế độ ăn giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh đái tháo đường thường bao gồm các thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, chất xơ, protein và chất béo lành mạnh. Bơ là một loại trái cây cung cấp lượng chất béo không bão hòa tuyệt vời giúp điều chỉnh lượng đường trong máu ở người bệnh đái tháo đường.
Là một trong những loại thực phẩm thực vật có hàm lượng chất béo cao nhất, chất béo trong quả bơ là chất béo lành mạnh không bão hòa đơn có tên là acid oleic. Loại acid béo này cũng được tìm thấy trong dầu ô liu, các loại hạt như hạnh nhân và quả óc chó. Chúng có lợi ích là cải thiện độ nhạy insulin và hấp thụ glucose để giảm lượng đường trong máu. Hàm lượng magie cao trong quả bơ cũng có thể giúp điều chỉnh sự hấp thụ insulin và glucose để giảm lượng đường trong máu.
Nghiên cứu cho thấy, việc kết hợp một nửa hoặc toàn bộ quả bơ vào bữa ăn có thể làm giảm đáng kể mức tăng đột biến đường huyết và nồng độ đường huyết tổng thể trong vòng 6 giờ sau khi ăn.
Trong thử nghiệm lâm sàng, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, ăn một nửa hoặc toàn bộ quả bơ vào bữa sáng làm giảm phản ứng đường huyết và insulin sau bữa ăn, đồng thời cải thiện chức năng nội mô cấp tính, được đo bằng sự giãn mạch qua trung gian dòng chảy.
Chế độ ăn có nhiều chất béo không bão hòa và chất xơ (hai chất dinh dưỡng mà bơ là nguồn cung cấp tốt) giúp giảm cholesterol xấu và điều chỉnh lượng đường trong máu. Do đó, nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường hoặc đang cố gắng giảm nguy cơ mắc bệnh này, bạn nên bổ sung quả bơ vào danh sách thực phẩm cần thiết trong chế độ ăn uống.
Bạn có biết ăn nấm đúng cách có thể mang lại những lợi ích gì?
Món ăn từ nhiều loại nấm không chỉ ngon miệng mà còn mang lại chất dinh dưỡng phong phú. Ăn nấm thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe, nhưng ăn bao nhiêu là đủ?
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn ăn dứa mỗi ngày?
Dứa, một loại quả mọng chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, nhưng nếu ăn mỗi ngày có tốt không?
Top những thực phẩm ‘vàng’ giúp cơ thể khỏe mạnh khi thời tiết giao mùa
Những ngày thời tiết thay đổi, bạn nên tích trữ nhiều hơn những thực phẩm này trong nhà. Chúng có thể giúp cả nhà bạn khỏe mạnh đấy nhé!
Điều gì xảy ra với cơ thể bạn khi bạn ăn cà rốt thường xuyên
Cà rốt là một loại rau bổ dưỡng, tiện lợi, đa năng và ăn cà rốt thường xuyên rất tốt cho sức khỏe của xương, mắt, giảm mức cholesterol, giảm nguy cơ ung thư.