Anh Nguyễn Ngọc Quang (47 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) cho biết anh có tiền sử sỏi thận, đã mổ sỏi thận từ 7 năm trước và gần đây anh lại bị tái phát. Lần tái phát này, bác sĩ không thể lấy sỏi qua tán mà phải mổ vì sỏi to, bám dính. 

Anh Quang cho biết bị sỏi thận nên anh không bao giờ dám ăn thức ăn giàu canxi, đặc biệt là hải sản, nhưng không hiểu vì sao vẫn bị sỏi. 

Cũng giống anh Quang, tới khám tại phòng khám Tiết niệu, BV Việt Đức, anh Đỗ Văn Tuấn (52 tuổi, trú tại Hải Phòng) nhăn nhó vì cơn đau do sỏi thận gây ra. Anh Tuấn chia sẻ anh bị sỏi canxi đã điều trị nhưng rất hay tái phát. Vợ anh cho rằng do anh nghiện ăn hải sản, nhất là tôm, cua nên càng dễ tạo sỏi hơn. 

PGS.TS Vũ Lê Chuyên - Chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam, cho biết sỏi thận có nhiều nguyên nhân tạo nên và thực phẩm chỉ là một trong nhiều yếu tố. 

Vì vậy, trong chế độ ăn, cùng một gia đình nhưng người bị sỏi thận, người không; nhưng một số loại thực phẩm và đồ uống chứa các vi chất dễ hình thành tinh thể nhanh hơn, một số khác lại không.

Sỏi được hình thành từ những tinh thể sinh ra từ muối axit và khoáng chất có nồng độ bất thường trong nước tiểu. Trong đó, tinh thể canxi kết hợp với gốc oxalat hoặc phosphat tạo thành sỏi canxi và sỏi phosphat rất phổ biến. 

Bệnh nhân khám sỏi tiết niệu tại BV Việt Đức. 

Ngoài ra, còn có sỏi axit uric, sỏi nhiễm trùng, sỏi cystine và một số loại sỏi hiếm gặp khác.

BS Chuyên lưu ý đối với sỏi oxalat: Một chất hóa học tự nhiên tồn tại rất nhiều trong thực phẩm như rau chân vịt, hạnh nhân, hạt điều, quả mâm xôi, khoai lang, bột ca cao... Nếu người bệnh ăn nhiều hải sản cùng lúc với các thực phẩm trên có thể thúc đẩy hình thành sỏi thận nhanh hơn, do cơ thể không đào thải được hết gốc oxalat.

Với sỏi phosphate, người có sỏi thận thuộc loại sỏi phosphat, nên thận trọng với thực phẩm giàu protein có nguồn gốc từ động vật như thịt nội tạng, sữa và các chế phẩm từ sữa, trứng, đặc biệt là hải sản.

Lượng canxi phong phú trong hải sản sản kết hợp với các thực phẩm giàu phốt pho khiến cho tình trạng sỏi thận trở nên trầm trọng hơn hoặc dễ tái phát. Người có sỏi phosphat cũng nên tránh thực phẩm khiến cho nước tiểu có tính kiềm hơn như nước ép rau củ, nước ép trái cây tươi và thực phẩm chế biến sẵn giàu phốt pho như nước có gas, thực phẩm đông lạnh.

Sỏi axit uric, sỏi cystine: có cơ chế hình thành từ nước tiểu giàu tính kiềm và tình trạng rối loạn cystine niệu, việc ăn hải sản không ảnh hưởng nhiều đến sự hình thành các loại sỏi này. 

PGS Vũ Lê Chuyên khuyến cáo, người bệnh nên tìm hiểu về loại sỏi mình đang có để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp. Trong trường hợp không thể xác định chính xác loại sỏi hoặc muốn bảo vệ sức khỏe tốt hơn, người bệnh cần ghi nhớ một số lưu ý sau:

Tránh ăn mặn: vì muối có thể làm tăng nguy cơ rò rỉ canxi trong nước tiểu và hình thành sỏi. 

Tránh ăn thịt đỏ, nội tạng: vì chúng có một lượng lớn chất purin, nếu nồng độ purin cao sẽ khiến cho cơ thể sản sinh nhiều axit uric và thận phải làm việc nhiều hơn, tăng nguy cơ hình thành sỏi urat.

Uống nhiều nước hơn: giúp làm loãng nồng độ khoáng chất có trong nước tiểu, hỗ trợ người bệnh đi tiểu nhiều hơn, tránh tích tụ canxi hoặc axit uric. 

Đảm bảo cơ thể đủ nước, nếu vận động hay làm việc ở môi trường gây đổ nhiều mồ hôi, cần bù nước ngay.

Tránh uống nước có gas, trà đá có đường, nước ép bưởi…

Đặc biệt, để tránh làm cho tình trạng sỏi thận trở nên trầm trọng hơn hoặc tái phát sau điều trị, khuyến cáo người bệnh cân nhắc việc dùng các loại thuốc bổ sung canxi. Bởi thuốc canxi tồn tại trong ruột lâu hơn, cản trở sự hấp thu oxalat làm cho nồng độ chất này trong nước tiểu tăng cao gây sỏi thận.

Ăn nhiều hải sản, tôm, cua… không hẳn làm gia tăng nguy cơ bị sỏi thận, nhưng trong chế độ ăn uống, bác sĩ Chuyên khuyến cáo, cần cân bằng dinh dưỡng, bổ sung bất kì loại thực phẩm gì quá nhiều cũng không tốt.

Đồng thời, việc điều trị sỏi thận tùy thuộc vào kích thước và vị trí. Những viên sỏi có kích thước nhỏ sẽ dễ dàng được đào thải qua bên ngoài. Trong trường hợp sỏi có kích thước lớn không thể tự trôi theo đường tiểu hoặc gây tổn thương cho các cơ quan đường tiết niệu, người bệnh cần phải điều trị bằng nội khoa hoặc ngoại khoa tại các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín.