Theo New York Post, kết luận được các nhà nghiên cứu từ Khoa Y học Tâm lý và Khoa Hóa sinh Đại học Quốc gia Singapore đưa ra sau khi tiến hành theo dõi 663 người Trung Quốc trên 60 tuổi từ năm 2011 đến 2017.

Cụ thể, trong 6 năm, tỷ lệ suy giảm nhận thức nhẹ ở người ăn 300 g nấm nấu chín mỗi tuần là 9%, ở người ăn ít hơn 150 g nấm nấu chín mỗi tuần là 19%.

Ảnh: BBC.

Suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) là tình trạng khiến con người quên lãng, tác động đến trí nhớ và gây ra nhiều vấn đề về ngôn ngữ, sự chú ý và định vị vật thể trong không gian. Trước đây, các công trình khoa học chỉ ra bệnh nhân MCI có mức axit amin ergothioneine (ET) thấp.

"ET là chất chống oxy hóa và chống viêm duy nhất con người không thể tự tổng hợp", tiến sĩ Irwin Cheah tham gia nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore cho biết. "Tuy nhiên, chúng ta có thể lấy chất này từ các nguồn thực phẩm khác mà một trong số đó là nấm".

Ngoài ET, nấm còn chứa nhiều dưỡng chất quan trọng khác như vitamin D, selen và spermidine giúp bảo vệ tế bào thần kinh.

Ảnh minh họa: Internet

Người đứng đầu công trình trên là Feng Lei, trợ lý giáo sư tại Khoa Y học Tâm lý Đại học Quốc gia Singapore nhận định mối tương quan giữa lượng nấm tiêu thụ và nguy cơ suy giảm nhận thức là rất đáng ngạc nhiên.

Tuy vậy, ông Feng thừa nhận các tình nguyện viên không chỉ ăn nấm mà còn sử dụng nhiều thực phẩm khác nên tác dụng đẩy lùi bệnh tật có thể đến từ sự kết hợp giữa nấm và trà xanh, rau xanh, các loại hạt, cá. 

Để phòng tránh nguy cơ suy giảm nhận thức, tiến sĩ James Pickett, chủ tịch Hiệp hội Alzheimer Anh khuyến cáo: "Chế độ dinh dưỡng nhiều rau quả, bao gồm nấm là khởi đầu tốt. Bạn cũng nên hạn chế đường và muối, chăm tập thể dục, uống rượu bia vừa phải và tránh hút thuốc".