Bị cuốn vào vòng xoáy của hàng nghìn chế độ ăn kiêng để giảm cân, nhiều người quên đi những lý thuyết cơ bản và khiến quá trình này bỗng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc giảm cân đơn thuần và ăn kiêng để tiêu hao mỡ nhằm có được cơ thể cân đối vẫn đang bị đánh đồng.

Bản chất của giảm cân

Trao đổi với Zing, thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẳng định tình trạng thừa cân, béo phì đến từ năng lượng nạp vào nhiều hơn năng lượng tiêu hao.

“Những trường hợp nạp vào quá nhiều năng lượng từ đồ ăn, thực phẩm trong khi tiêu hao ít sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa năng lượng và gây tăng cân”, vị chuyên gia nói.

Để giảm cân, việc đơn giản cần làm là ăn ít hơn phần năng lượng tiêu hao mỗi ngày. Ảnh minh họa: thomaspark.

Do đó, yếu tố cơ bản nhất trong dinh dưỡng khi giảm cân là chúng ta phải hạ mức năng lượng nạp vào đến ngưỡng thấp hơn năng lượng tiêu hao hàng ngày.

Thạc sĩ Hải giải thích: “Khi làm được điều này, cơ thể sẽ lấy mỡ dự trữ trong cơ thể để đốt cháy và sinh năng lượng. Trong quá trình này, một phần cơ bắp của chúng ta cũng bị mất đi với nguyên lý tương tự. Tất cả mang lại hiệu quả về giảm cân”.

Cùng quan điểm này, huấn luyện viên Nguyễn Thanh Tùng (Hà Nội) cho biết để giảm cân, nguyên tắc quan trọng nhất là tạo ra sự thâm hụt calo. Lượng calo thâm hụt được tạo ra khi năng lượng tiêu thụ nhiều hơn phần nạp vào.

“Cơ thể chúng ta tuân theo định luật bảo toàn năng lượng. Tế bào mỡ là năng lượng tích trữ của cơ thể. Do đó, để giảm cân và mỡ thừa, chúng ta phải ăn ít hơn năng lượng tiêu thụ. Mọi chế độ ăn kiêng đều tuân thủ nguyên tắc này”, huấn luyện viên khẳng định.

Khác biệt giữa giảm cân và đốt mỡ

Theo thạc sĩ Lê Thị Hải, nguồn năng lượng chính hàng ngày được con người nạp vào cơ thể gồm 3 nhóm chất là carbohydrate (tinh bột, đường), protein (đạm) và chất béo (lipid).

“Về lý thuyết, khi toàn bộ nguồn năng lượng nạp vào cơ thể giảm, chúng ta sẽ giảm đồng thời cả cân nặng và khối lượng mỡ. Tuy nhiên, trong phần cân nặng cơ thể giảm đó, ngoài mỡ, còn có cả cơ bắp - thứ chúng ta không muốn mất đi nếu hướng tới sự săn chắc, cân đối sau khi giảm cân”, vị chuyên gia cho hay.

Như vậy, việc giảm cân và tiêu mỡ đều đòi hỏi chúng ta giảm năng lượng nạp vào. Tuy nhiên, điểm khác biệt khi hướng tới việc giảm mỡ cũng như tránh cơ bắp bị mang ra đốt theo là phải thay đổi tỷ lệ giữa các nhóm chất sinh nhiệt nói trên.

Việc giảm mỡ sẽ đòi hỏi người ăn phải thay đổi tỷ lệ các chất kết hợp tập luyện thể dục thể thao thay vì cắt toàn bộ khẩu phần. Ảnh minh họa: dianapolekhina.

“Để tăng cơ và giảm mỡ, những người tập luyện thể dục, thể thao, ngoài hạn chế tổng mức năng lượng nạp vào, còn điều chỉnh chế độ ăn để nguồn cung năng lượng chính đến từ đạm. Việc làm này giúp cơ bắp có điều kiện phát triển, tránh mất cơ trong quá trình giảm cân”, thạc sĩ Hải nói.

Thông thường, các trường hợp này trong chế độ ăn sẽ phải tăng tỷ lệ protein, đồng thời giảm lượng calo nạp vào qua carbohydrate (carb) và chất béo. Một số chế độ ăn kiêng đặc biệt còn gần như loại bỏ toàn bộ carb và chỉ nạp protein, chất béo.

Bên cạnh chế độ ăn, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc giảm mỡ còn đòi hỏi chúng ta duy trì thói quen tập luyện thể dục, thể thao hợp lý. Đây là cơ sở để cơ bắp phát triển, thúc đẩy việc đốt mỡ và mang lại cơ thể săn chắc.

Bà chia sẻ: “Thông qua thực tế thăm khám và tư vấn, tôi gặp nhiều người quyết định nhịn ăn để giảm cân nhưng không có kế hoạch tập luyện phù hợp. Việc làm này khiến cơ bắp bị mất đi. Cân nặng có giảm nhưng tỷ lệ mỡ vẫn cao”.

Chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý và kế hoạch tập luyện phù hợp chính là “chìa khóa vàng” để chúng ta bảo vệ sức khỏe. Ngoài hiệu quả trong giảm cân, đây cũng là cách người chưa béo phì nên áp dụng để phòng tránh, đồng thời đảm bảo sức khỏe và có một thân hình cân đối.